.
Cuộc cách mạng ở vùng đất phèn chua:

Bài 2: Chuyện những người đi "mở đất"

Cập nhật: 13:58, 22/08/2024 (GMT+7)

Bài 1: Chinh phục đồng cỏ lác

(ABO) Khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM) nói chung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng không phải là câu chuyện dễ. Đó được xem là một “trận địa” đầy khó khăn, bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền, còn là sự đồng kham cộng khổ của rất nhiều hộ gia đình.

Câu chuyện về những người đi “mở đất” trên vùng đất huyện Tân Phước hôm nay cũng là một phần lịch sử cho chặng đường khai phá vùng đất phèn chua này. Bởi đối với mỗi gia đình còn bám trụ ở đây là một minh chứng cho sự nỗ lực phi thường, của sự dấn thân và cả thấm đẫm từ những giọt mồ hôi trên vùng đất khó này.

Đám cưới tập thể trong giai đoạn đầu khai thác vùng Đồng Tháp Mười trên địa bản tỉnh Tiền Giang.
Đám cưới tập thể được tổ chức trong giai đoạn đầu khai thác vùng Đồng Tháp Mười trên địa bản tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TL.
Bên cạnh những chủ trương khai thác ĐTM là xốc vào thủy lợi, mở ra diện tích đất sản xuất, một trong những công việc quan trọng nữa là vận động người dân vào định cư nhằm khai thác, khai hoang, phục hóa vùng ĐTM. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giãn dân trong điều kiện đất chật người đông như ở Tiền Giang. Tuy nhiên, mãi đến cuối những năm 1980, số hộ dân cư trú trong vùng ĐTM thuộc địa bàn huyện Tân Phước chưa nhiều, chỉ có khoảng 150 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Số cư dân này sống rải rác theo kinh Nguyễn Văn Tiếp, lộ chợ Bưng vào Nông trường Tân Lập và 7 hộ ở sâu giữa ĐTM thuộc xã Tân Hòa Đông, giáp tỉnh Long An. Theo nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Võ Văn Xê, đến khi thành lập huyện Tân Phước, dân số toàn huyện chỉ có trên dưới 32.000 người, tập trung ở các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, Tân Hòa Tây, còn Tân Hòa Đông chỉ có 17 hộ, Mỹ Phước có 19 hộ dân. Sau này, khi tổng hợp lại thì có trên 40 tỉnh, thành trong cả nước có dân ở vùng đất Tân Phước.

Chúng tôi đã nhiều lần về vùng Tân Phước trong thời gian dài, nên cũng đã cảm nhận được phần nào về vùng đất, con người ở đây. Trong những chuyến đi thực tế về xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, nếu cần tìm hiểu về những hộ dân cố cựu ở đây, nhiều người vẫn hay nhắc về hộ gia đình ông Phạm Văn Pheo (Hai Bắc).

Gia đình ông từ lâu đã trở nên một trong những trường hợp điển hình trong số những hộ dân đi đầu trong khai phá vùng đất mới. Nhiều năm trước, mỗi lần có dịp về Tân Phước chúng tôi đều hỏi câu chuyện lập nghiệp của ông và gia đình. Khi đó, ông Hai Bắc (ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ) kể rằng, cuộc khai phá vùng đất phèn thật gian khổ, nhiều năm trồng mì, mía không mang lại hiệu quả do năng suất thấp và mất giá liên tục nên ông chuyển sang trồng khoai.

Nhiều năm tích lũy, năm 1991, gia đình ông xây dựng được căn nhà khá khang trang, cuộc sống bắt đầu ổn định. Vậy là, sau gần 50 năm, gia đình ông Hai Bắc là một trong những hộ gia đình hiếm hoi còn bám trụ được từ những ngày đầu đi khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất này.

Ông Hà
Ông Lê Việt Hà bên rẫy ớt tại xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước.

Những ngày đầu “mở đất” ở vùng đất Tân Phước vô cùng khó khăn. Cách đây ít lâu, khi kể về câu chuyện của mình, ông Lê Việt Hà, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, nói rằng quê ở Hưng Thạnh, trong gia đình đông con, không đất sản xuất mới vào Tân Hòa Đông khai hoang lập nghiệp vào năm 1989. Lúc đó, vùng này hoang vu lắm, toàn là tràm, năng, tranh… bạt ngàn.

Khi mới vào không có vốn sản xuất nên vừa khai hoang vừa làm thuê để kiếm sống. Lúc đó vùng đất này khó khăn lắm. Nước uống lấy từ các hố bom về lống tro để uống. Đường sá chưa được hình hành, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng. Mỗi khi muốn mua đồ, chúng tôi phải chèo ghe xuống tận Phú Mỹ và mãi đến khi trời đứng bóng mới về tới nhà. Nếu gặp gió ngược, nước ngược, chúng tôi phải chống hoặc xuống lần ghe cả chục cây số để tới nhà.

“Lúc đầu vào đây, gia đình tôi khai hoang được 2,8 ha. Năm đầu, tôi trồng mía gặp lũ lớn chết hết. Sau đó, tôi chuyển sang trồng khóm cũng bị lũ làm hư sạch. Đến năm 1991, tôi lại chuyển sang trồng khoai mỡ. Những năm đầu về đây, gặp lũ lớn liên miên, trồng cây gì cũng bị thiệt. Đến năm 1996, kinh tế gia đình mới đỡ hơn. Từ khi bao đê, đời sống mới khá lên rõ rệt do không còn phập phòng lo chạy lũ, ổn định cây trồng. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình mới thỏi mái hôn một chút, có tiền dành dụm để tích lũy đất”- ông Lê Việt Hà nói thêm.

Ông Phước
Ông Nguyễn Văn Phước bên vườn khóm của gia đình.

Rất nhiều hộ gia đình bắt đầu cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn. Câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước cũng như thế. Ông Nguyễn Văn Phước quê ở Tân Hòa Thành đùm túm vợ và 2 con lên vùng đất này khai hoang được 2,5 ha. Ông Phước kể lại, khi mới vào định cư toàn vùng này chỉ có một hai hộ sinh sống, chủ yếu là cắt đưng, bàng bán đổi gạo; không điện, nước nhiễm phèn nặng, đi lại bằng ghe xuồng nên vất vả vô cùng. Mấy năm đầu lũ lớn, chúng tôi phải lên bờ kinh để tránh lũ, cây trồng bị thiệt hại rất đáng kể. Sau năm 1988, đê bao được hình thành, ông chuyển những diện tích trong vùng ô bao lên trồng khóm. Nhờ đó mà đời sống khá lên. Mấy năm nay, giá khóm đảm bảo cho nông dân trồng khóm chúng tôi sống được, khá. Quả là đất không phụ người.

Gia đình ông Cao Văn Sáng, ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ cũng là một trong những gia đình bám trụ vùng đất này với bao gian khó, với khoảng 40 năm. Dẫn chúng tôi tham quan vườn khóm của gia đình, ông Sáng kể rằng, ban đầu ông làm ở Lâm trường Trương Văn Sanh. Làm việc được 11 năm, Lâm trường giải thể, một số diện tích rừng tràm đã được phân cấp cho dân, ông chính thức về tiến hàng khai hoang trên địa bàn. Lúc đó, điều kiện nơi đây rất khắc nghiệt, không có đường, điện, nước nên nhiều người dân bỏ đất về quê. Lúc đó, có một ấp chỉ có 8 hộ. Lúc đầu, gia đình được cấp 1,5 ha. Vợ chồng ông khai hoang trồng khóm, tích lũy tiền được một số, anh mua thêm đất. “Thời gian thấm thoát đã mấy chục năm rồi, giờ điện, đường, trường, trạm, đê bao đầu tư khép kín giúp phát triển nhanh diện tích khóm, góp phần nâng thu nhập người dân, nhà cửa khang trang, con cái được nuôi học đến nơi đến chốn”- ông Sáng cho biết…

Vậy là công cuộc khai hoang, phục hóa vùng ĐTM nói chung đã gần nửa thế kỷ, riêng huyện Tân Phước cũng tròn 30 tuổi. Ít ai nghĩ rằng, một trong những vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, “trung tâm” phèn lớn của thế giới như vùng ĐTM, với dự báo sẽ tiêu tốn nhiều công sức khai thác nhưng hiệu quả sẽ không cao, lại tạo nên nhiều “kỳ tích”. Có lẽ, để đạt được những kết quả to lớn như ngày hôm nay, nhân tố quyết định bao trùm là sự đồng lòng, quyết tâm chính trị cao trong tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng của tỉnh, huyện dành cho vùng đất đầy khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng này. Trong thành quả chung đó có góp sự góp sức của rất nhiều hộ dân.

ANH PHƯƠNG
(Còn tiếp)

.
.
.