Thứ Sáu, 09/08/2024, 10:15 (GMT+7)
.

Đổi thay trên quê hương cù lao Lợi Quan

16 năm là một chặng đường không dài so với lịch sử hình thành vùng đất cù lao Lợi Quan thuộc tỉnh Tiền Giang hoang sơ. Cùng với trợ lực từ tỉnh và trung ương, Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông đã đoàn kết, nỗ lực và không ngừng phát huy tinh thần lao động, sáng tạo để Tân Phú Đông hôm nay thay da đổi thịt, khang trang hơn, tươi đẹp hơn.

KHỞI ĐẦU TỪ GIAN KHÓ

Huyện Tân Phú Đông được thành lập theo Nghị định 09 ngày 21-1-2008 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông. Huyện có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Phú Đông, Phú Tân, Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh và Phú Thạnh. Huyện có vị trí địa lý phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp huyện Chợ Gạo, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre và phía Bắc giáp các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông.

Nuôi thủy sản nước lợ giúp mang lại thu nhập khá và nâng cao đời sống của người dân huyện cù lao Tân Phú Đông.
Nuôi thủy sản nước lợ giúp mang lại thu nhập khá và nâng cao đời sống của người dân huyện cù lao Tân Phú Đông.

Nhớ lại những ngày vừa mới thành lập, nhân sự của các ban, ngành, đoàn thể và cơ sở hạ tầng của huyện Tân Phú Đông còn gặp vô vàn khó khăn. Cán bộ ban, ngành, đoàn thể huyện phải làm việc và sinh hoạt trong những dãy nhà tiền chế tạm bợ, đặc biệt phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô nóng bức do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng biển Gò Công.

Hệ thống giao thông của Tân Phú Đông lúc bấy giờ chỉ có tuyến đường chính 877B kéo dài suốt địa bàn huyện được rải đá đỏ; việc giao thông đi lại cũng như vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân trong huyện gặp nhiều khó khăn. Việc nối liền giữa huyện cù lao Tân Phú Đông và những huyện ở đất liền chỉ có mấy bến đò ngang vượt sông cửa Tiểu với những con sóng cuồn cuộn quanh năm…

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt do hằng năm vào mùa khô xâm nhập mặn lấn sâu vào các cửa sông hàng chục km, đời sống người dân rất khó khăn. Ai cũng biết con tôm là một lợi thế kinh tế của huyện Tân Phú Đông nhưng các đầm nuôi tôm vẫn lao đao với dịch bệnh do nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm…

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Phú Đông Thạch Tân Dân cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tân Phú Đông đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Địa phương đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới tại tất cả 6 xã của huyện vào cuối năm 2023; dự kiến đến tháng 9-2024, xã Tân Thới sẽ ra mắt xã nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 sẽ ra mắt huyện nông thôn mới.

Do đó, huyện đã và đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cũng là tiêu chí quan trọng để Tân Phú Đông phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới.

Việc nuôi tôm ở cù lao Lợi Quan lúc bấy giờ gặp nhiều rủi ro. Còn những hộ làm lúa thì chỉ canh tác được 1 vụ nhưng năng suất bấp bênh, có lúc lúa “phơi cờ trắng” đồng vì hạt lép. Người dân ở huyện lúc này đa số đi làm ăn nơi khác để mưu sinh… Theo điều tra vào thời điểm ngày 1-4-2009, toàn huyện Tân Phú Đông có 5.735 hộ nghèo, chiếm 52,18% tổng số hộ dân toàn huyện và 687 hộ cận nghèo, chiếm gần 12%.

Cơ sở vật chất của hệ thống trường học các bậc học ở huyện Tân Phú Đông lúc bấy giờ còn ọp ẹp, học sinh thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chuyện học hành của các em chẳng được quan tâm. Số lượng học sinh học hết bậc THCS và qua đất liền để học bậc THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, đội ngũ thầy cô giáo từ đất liền qua dạy học ở huyện Tân Phú Đông đã cố gắng hết lòng vì học sinh nên phải thường xuyên đến từng nhà vận động các em đến trường.

Ngành Y tế huyện Tân Phú Đông cũng gặp khó khăn về nhân sự cũng như trang thiết bị nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện cù lao lúc này chủ yếu là chuyển tuyến sang các bệnh viện ở đất liền để điều trị bệnh. Hệ thống cung cấp nước sạch của địa phương vào thời điểm này chưa được hoàn chỉnh nên chuyện thiếu nước ngọt sinh hoạt trong 6 tháng mùa khô, lúc nước mặn đã tràn vào các kinh, rạch là chuyện bình thường…

Sau lễ ra mắt chính thức huyện Tân Phú Đông vào ngày 30-4-2008, hệ thống đảng bộ và chính quyền cơ sở huyện đã từng bước đi vào hoạt động ổn định. Đây là mốc thời gian khởi đầu cho thử thách của vùng đất cù lao có tiềm năng trong việc khai thác và là nền tảng của sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh đến nay.

DẤU ẤN GIẢM NGHÈO

Vượt qua những khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu mới thành lập, bộ máy lãnh đạo của huyện Tân Phú Đông đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để cùng người dân địa phương từng bước phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

Phát huy nội lực cùng với sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương lân cận, bộ mặt huyện Tân Phú Đông đã dần khởi sắc. Nhờ sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được những thành tựu lớn.

Hệ thống giao thông thông suốt đã đưa huyện cù lao Tân Phú Đông gần với đất liền và góp phần nâng cao đời sống  vật chất, tinh thần của người dân.
Hệ thống giao thông thông suốt đã đưa huyện cù lao Tân Phú Đông gần với đất liền và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Qua 16 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã cơ bản hoàn chỉnh. Đường tỉnh 877B dài hơn 35 km chạy dài từ đầu đến cuối huyện và hơn 53 km đường huyện đã được đầu tư láng nhựa; hàng trăm km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư bê tông hóa.

Hệ thống các bến phà chính được phân bổ đều trên địa bàn giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Đặc biệt, sự kiện cầu Tân Thạnh bắt qua sông cửa Trung nối liền xã Tân Thạnh với 5 xã còn lại của huyện chính thức thông xe vào sáng ngày 25-4-2024 đã mang lại ý nghĩa rất quan trọng. Xã Tân Thạnh có địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Tân Phú Đông đã không còn cách trở đò giang với trung tâm huyện. Bên cạnh đó, bến phà nối xã Tân Thạnh với huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng được xây dựng và vận hành tốt.

Do đặc thù của điều kiện địa lý, địa bàn huyện Tân Phú Đông đang có 3 vùng sản xuất ở các loại nước ngọt - lợ - mặn khác nhau, với vùng trồng cây ăn trái 3.346 ha dừa và mãng cầu Xiêm; 4.400 ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ và khoảng 1.500 ha đất ven biển có sản sinh giống nhuyễn thể hai mảnh (nghêu và sò huyết giống). Đây là tiềm năng mang giá trị kinh tế lớn mà huyện đang tập trung quản lý, đảm bảo phát triển tốt và bền vững để tăng nguồn thu, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Công tác giáo dục đào tạo được huyện quan tâm, chỉ đạo hàng đầu. Bằng các nguồn vốn đầu tư, đến nay toàn bộ trường lớp trên địa bàn đã xây dựng khang trang. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các bậc học đều đạt tốt. Công tác chăm lo, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng đảm bảo đúng quy định, công bằng, không để xảy ra thắc mắc.

Đặc biệt, dấu ấn sau 16 năm thành lập huyện Tân Phú Đông chính là công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã tập trung nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh giảm nghèo.

Công tác giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ. Nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập đã được triển khai hiệu quả, góp phần kéo giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Từ một huyện nghèo với hơn 50% hộ dân thuộc hộ nghèo, bằng quyết tâm của địa phương và sự trợ lực từ tỉnh và trung ương, Tân Phú Đông chính thức không còn là huyện nghèo. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 34 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt hơn 24 tỷ đồng; toàn huyện còn hơn 1.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 8% và 147 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,18%.

Từ năm 2020 đến nay, Tân Phú Đông quyết liệt hơn nữa trong công tác giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua từng năm. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2023, huyện cù lao này chỉ còn 212 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,68% và 200 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,58%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện vào cuối năm 2023 đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 4 lần so với thời điểm huyện mới thành lập.

MAI HÀ


 

.
.
.