Gỡ khó nguồn cung vật liệu san lấp
Vật liệu san lấp khan hiếm đang là khó khăn chung của nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Để tháo gỡ khó khăn này, hiện tỉnh Tiền Giang đang tập trung triển khai các thủ tục để cấp phép khai thác mỏ cát trên địa bàn tỉnh nhằm cung ứng cho các dự án trọng điểm quốc gia cũng như các công trình trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
KHAN HIẾM
Theo ghi nhận, nguồn vật liệu cát tại tỉnh Tiền Giang có giá rất cao lại khan hiếm. Một số công trình xây dựng bị ảnh hưởng tiến độ, nhà thầu phải trông chờ nguồn cát. Đặc biệt, các công trình làm đường giao thông cần nguồn cát san lấp rất lớn. Trong khi đó, từ lâu Tiền Giang đã tạm dừng khai thác mỏ cát sông. Nguồn cát trong nước khan hiếm nên nhiều nhà thầu đang loay hoay tìm kiếm nguồn vật liệu này.
Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Tư Lợi (TP. Mỹ Tho) cho biết, do nguồn cát trong khu vực khan hiếm nên thời gian qua, doanh nghiệp chỉ nhập khẩu cát từ Campuchia về để bán. Hiện doanh nghiệp cung cấp cát cho thị trường với giá dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/m3 (tùy theo độ to, nhỏ).
Công trình kè chống sạt lở phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) cần nguồn cát san lấp lớn. |
Do nguồn cát san lấp không có, công ty nhập đất từ tỉnh Đồng Nai về để bán. “Năm nay, chúng ta nhờ nguồn cát từ Campuchia. Nếu Campuchia không bán cho nước mình nữa thì hơi khó khăn” - lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Tư Lợi thông tin thêm.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của UBND tỉnh Tiền Giang vừa qua, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, phải nhìn nhận rằng, hiện một số công trình xây dựng, nguồn cát san lấp, phục vụ thi công có vướng mắc. Một số công trình xin kéo dài thời gian thi công do thiếu hụt nguồn cát. Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng thiếu cát san lấp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. |
Theo đại diện một nhà thầu chuyên thi công các công trình giao thông, kè tại trên địa bàn tỉnh, đơn vị đang thi công một gói thầu kè chống sạt lở và cần khoảng hơn 2.000 m3 cát san lấp. Nhà thầu phải mua cát với giá khá cao vì phải có nguồn gốc mới dám sử dụng. Lãnh đạo nhà thầu cho biết thêm: “Rất may là hiện nay công ty chưa có nhận công trình nào cần khối lượng cát san lấp lớn. Hiện những công trình có nhu cầu sử dụng nhiều cát, nhà thầu sợ lắm; bởi nguồn cung cát hiện rất khan hiếm”.
Theo lãnh đạo một ban quản lý dự án chuyên ngành tỉnh Tiền Giang, hiện nguồn cát san lấp trên địa bàn tỉnh đang rất khan hiếm. Các dự án do đơn vị quản lý sử dụng nguồn cát lớn nên bị động trong nguồn cung cát san lấp.
SỚM ĐƯA CÁC MỎ CÁT VÀO KHAI THÁC
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 31 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua khoảng 41,8 triệu m3. Trong đó, có 18 khu vực mỏ cấp phép khai thác trước đây đã hết hạn, tạm dừng khai thác từ năm 2013 và 13 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.
Theo quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang, công suất khai thác cát giai đoạn 2023 - 2025 là 4,5 triệu m3, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 triệu m3. Tuy nhiên, trước nhu cầu nguồn cát san lấp khan hiếm như hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được phê duyệt tại Quyết định 1762 ngày 31-12-2023 đối với nội dung: Cho phép nâng công suất cấp phép khai thác cát sông tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm để đủ cát phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và tỉnh.
Công trình đường tỉnh 864 cần nguồn cát san lấp lớn. |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Trong đó, yêu cầu tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho 5 dự án gồm: Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3, thành phần 2 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m3, Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3, Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3. Đồng thời, địa phương tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 271 ngày 22-6-2024 của Văn phòng Chính phủ.
Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh thủ tục khai thác các mỏ cát theo quy định tại 3 mỏ cát trên sông Tiền thuộc các xã: Mỹ Lương, Hòa Hưng, Hòa Khánh của huyện Cái Bè để cung cấp khoảng 6,6 triệu m3 cát cho Dự án Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương, hiện Sở đã thông báo đến các chủ mỏ cát có liên quan về việc đóng cửa mỏ. Bên cạnh đó, Sở còn tập trung thực hiện song song các công việc để khai thác cát sớm nhất theo quy định. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải qua 6 bước và đã được tổ công tác của các bộ, ngành liên quan thống nhất. Theo đúng quy định, thời gian thực hiện các trình tự, thủ tục là 210 ngày.
Tuy nhiên, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan rút ngắn thời gian sớm nhất. Hiện Sở đang thực hiện trước 3 mỏ để phục vụ cho Dự án Đường Vành đài 3 TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, trình tự, thủ tục giảm từ 210 ngày giảm xuống còn 60 ngày. Mặc dù thời gian nhanh nhưng phải rà soát chặt chẽ các quy định đảm bảo theo pháp luật để khai thác. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân trong khu vực mỏ cát để tạo sự đồng thuận cao khi lấy ý kiến đánh giá tác động môi trường.
Tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh Tiền Giang tháng 7-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, đối với việc khai thác cát, sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ mời Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã, kể cả Bí thư chi bộ, trưởng ấp trên địa bàn có mỏ cát tổ chức hội nghị để quán triệt, tạo sự thông suốt; bởi đây là nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho quốc gia. Từ đó, cơ quan chức năng giải thích cho người dân hiểu được nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phạm Văn Trọng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu để thực hiện; triển khai nhanh các nội dung công việc được giao.
Ý PHƯƠNG