Thứ Tư, 14/08/2024, 17:50 (GMT+7)
.

Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP

(ABO) Chiều 14-8, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công thương, Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cùng Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,26% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Chỉ số tăng chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,41% so với cùng kỳ và đạt 58% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 89,59%, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 252,59 triệu USD, chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 7,32% so với cùng kỳ.

Hàng hóa của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh chiếm 40,59%, châu Mỹ chiếm 28,56%, châu Âu chiếm 27,67%, châu Đại Dương chiếm 2,85%, châu Phi chiếm 0,33% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60% so kế hoạch năm. Trong đó, DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 4,5%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 95,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.221 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 49,7% kế hoạch năm.

Tình hình thị trường, giá cả hàng hóa - dịch vụ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát; chưa phát hiện trường hợp tăng giá đột biến, khan hiếm hàng hóa, chưa phát hiện trình trạng đầu cơ, găm hàng trong các kỳ nghỉ lễ.

Đồng chí Lưu Văn Phi phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Lưu Văn Phi phát biểu tại hội nghị.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm, Sở Công thương luôn bám sát kế hoạch, yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên tinh thần chủ động, sáng tạo, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Các nhiệm vụ của ngành Công thương bảo đảm chất lượng, hoàn thành tốt so với chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chủ động tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ có trong Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 2-3-2024 của UBND tỉnh thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2024.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Phước phát biểu tại hội nghị.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Phước phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, ngành Công thương đã tập trung triển khai các giải pháp như: Tiếp tục xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; giải pháp mời gọi, huy động vốn đầu tư; phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; gắn kết giữa tái cấu trúc công nghiệp với tái cơ cấu nông nghiệp…

Tại hội nghị, các địa phương đã thông tin về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; các công việc trọng tâm trong thời gian tới. Các DN cũng đã thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thuận lợi, khó khăn trong những tháng đầu năm.

Các DN phát biểu ý kiến.
Các DN phát biểu ý kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, về phát triển hệ thống thương mại, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu ngành Công thương và các địa phương cần đánh giá thực chất để có định hướng và tháo gỡ. Đồng thời, cần động viên DN, hợp tác xã phát triển.

Về phát triển các cụm công nghiệp cần tính tới yếu tố bền vững; rà soát lại xem đã thực hiện đúng quy hoạch, pháp luật. Ngành Công thương và các địa phương phải tuyên truyền, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN.

Về thị trường, ngành Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

MINH THÀNH

.
.
Công ty yến sào Khánh Hòa
.