Thứ Bảy, 24/08/2024, 10:17 (GMT+7)
.

Kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2024

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc và có thể đạt 5 tỷ USD do nguồn cung trên thị trường thế giới hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng.

Năm 2024, các tỉnh ĐBSCL đã triển khai 7 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao nhằm tăng sản lượng xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Năm 2024, các tỉnh ĐBSCL đã triển khai 7 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao nhằm tăng sản lượng xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất trồng trọt từ đầu năm đến nay cho thấy, sức sản xuất ngành lúa gạo tăng mạnh và dự kiến giá trị xuất khẩu vượt kỳ vọng 5 tỷ USD cả năm. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năng suất lúa, gạo tăng cao mặc dù diện tích gieo trồng giảm so với năm 2023.

"Niềm vui kép" về sản lượng và giá trị xuất khẩu

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết: Tổng diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm ở ĐBSCL năm 2024 ước khoảng 3,8 triệu ha, sản lượng lúa hơn 24 triệu tấn, năng suất hơn 63 tấn/ha. Chỉ tính riêng tại ĐBSCL, diện tích sản xuất lúa giảm hơn 16.000 ha so với năm 2023, nhưng sản lượng lại tăng hơn 11.000 tấn, bảo đảm cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, trong năm 2024, một số địa phương ở ĐBSCL đã triển khai hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết quả vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn 20%, vừa giảm phát thải 5 - 10 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình.

Thông tin về tình hình triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL (đề án), ông Lê Thanh Tùng chia sẻ, đến nay ĐBSCL đã triển khai 7 mô hình (tổng cộng 333,5 ha) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Tỉnh An Giang đã khởi động xuống giống diện tích tham gia đề án 15 ha đầu tiên tại huyện Phú Tân vào ngày 12/8. Long An cũng đã xuống giống 1 mô hình 20 ha tại huyện Tân Hưng và chuẩn bị kế hoạch xuống giống 7 mô hình trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025. Bạc Liêu mặc dù chưa khởi động thực hiện đề án, nhưng đã thực hiện 2 mô hình (diện tích 120,5 ha). Trong đó đã thực hiện vụ hè thu 1 mô hình (diện tích 0,5 ha), ước năng suất đạt 6,16 tấn/ha và sản lượng 3,08 tấn, còn lại thực hiện trong vụ thu đông 1 mô hình (diện tích 120 ha).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nằm trong đề án. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện tại, gạo Việt Nam có nhiều giống được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, Việt Nam đã có bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2 - 3 vụ, năng suất cao và gạo dẻo thơm. Đây là bộ giống mà các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan... không có.

Đây đều là những thông tin hết sức đáng mừng khi ngành lúa, gạo đang hướng tới “niềm vui kép” khi tăng cả sản lượng và giá trị xuất khẩu với những sản phẩm với chất lượng ngày một cao.

Ở thời điểm hiện tại, để vụ lúa hè thu 2024 đạt năng suất, tránh bất lợi khi gặp thời tiết mưa bão, các địa phương khuyến khích nông dân chủ động gia cố bờ ruộng để chủ động bơm nước tháo úng khi gặp mưa nhiều. Đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh, nông dân cần tích cực thăm đồng, kịp thời phòng trị sâu rầy và các bệnh đốm vằn hại lúa.

Nhận diện về các khó khăn, thách thức của ngành trồng trọt và định hướng sản xuất trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nêu một số vấn đề trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ĐBSCL. Theo đó, các địa phương cần có đánh giá khách quan về công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trồng trọt thời gian qua, tập trung vào những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Đặc biệt, chú trọng các giải pháp kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và các mô hình hiệu quả, cách làm hay cần nhân rộng; đồng thời, cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ, tránh bài học về xuống giống không theo thời vụ, gây thiệt hại 1.662 ha trong sản xuất lúa của năm 2024.

“Các địa phương thời gian tới cần tập trung bám sát các dự báo sâu bệnh, nước, xâm nhập mặn, thời tiết; tập trung xuống giống lúa đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; thắt chặt quản lý vật tư nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là công an, quản lý thị trường quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp...”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Mặt bằng giá mới

Theo báo cáo của Bộ Nôngnghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan, với số lượng đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất lúa gạo ổn định, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD.

Đơn hàng tiếp tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt lạc quan với kết quả kinh doanh những tháng cuối năm. Ảnh: TTXVN
Đơn hàng tiếp tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt lạc quan với kết quả kinh doanh những tháng cuối năm. Ảnh: TTXVN

Thống kê 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 4,7 tỷ USD, với giá trung bình là 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với năm 2022. Trước tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu thiết lập mặt bằng giá mới theo hướng có lợi cho các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.

Đúng như dự báo, năm 2024, giá xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với năm trước. Tính đến ngày 15/7/2024, sản lượng lúa thu hoạch của cả nước đạt khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Theo dự báo, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai. Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập. Xu hướng tiêu dùng và các điều kiện xuất khẩu có nhiều thay đổi... Theo đó, vấn đề chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có thể dành khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.

Cùng với giá lúa gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu cũng đang có dấu hiệu mạnh lên. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 570 USD/tấn, tăng so với mức 565 USD/tấn tuần trước đó. Nhu cầu tiêu thụ tăng cũng dẫn đến những số liệu xuất khẩu ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 7/2024 của Việt Nam tăng 46,3% so với tháng trước đó, đạt 751.093 tấn. Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, chuyên nhập gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines, Singapore... phục vụ tiêu dùng nội địa đã và đang là cú hích quan trọng tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong chặng đường “về đích” năm 2024.

* Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam: Nhu cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các khách hàng truyền thống của Việt Nam vẫn ở mức cao và có thể tăng lên. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024.

* Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường: Nhu cầu gạo thế giới hiện vẫn cao và sản lượng không dư. Bởi vậy, nếu Ấn Độ gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng cũng ít ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ mang lại nhiều biến động cho thị trường gạo toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình để có thể chủ động ứng phó và nắm bắt cơ hội thời gian tới.

* Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải: Giá gạo thế giới hiện vẫn ở mức tương đối cao, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống, đảm bảo duy trì chất lượng gạo giữa các lô hàng, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo.

(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/ky-vong-xuat-khau-gao-nam-2024-20240824092309926.htm)

  

 

 

.
.
.