Nhiều tín hiệu phục hồi, nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tăng mạnh
Tăng trưởng tín dụng sau giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ hồi tháng 6 (đạt mốc 6,1%) có nhịp chậm lại trong tháng 7 khi tổng dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 5,66%. Tuy vậy, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 8 đã tích cực trở lại, tăng 6,25% so với cuối năm 2023.
Hoạt động tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh minh họa. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế, giới chuyên gia cho rằng với nhiều tín hiệu phục hồi, nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay trong những tháng cuối năm.
Cải thiện nhu cầu vốn
Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2024, tạo nên sự lạc quan cho cả thị trường. Kết quả này có thể thúc đẩy nhu cầu tín dụng, khi các doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm các cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia đánh giá trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Điều này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Độ dự báo tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ có khả năng tiệm cận với các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện.
Bên cạnh đó, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Tín dụng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn. Những lĩnh vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức trung bình chung. GDP quý II/2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự hồi phục rõ rệt của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vay vốn cũng sẽ tăng, khi các doanh nghiệp và cá nhân cần nguồn tài chính để mở rộng hoạt động.
Lý giải về nhịp chậm lại của tín dụng trong tháng 7 vừa qua, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng diễn biến này chỉ mang tính thời vụ, phần nào do tâm lý của người dân trong “tháng Ngâu” dẫn đến hạn chế giải ngân. Tình trạng tương tự cũng ghi nhận trong tháng 7 năm trước.
"Xu hướng này vẫn phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tín dụng sẽ dần phục hồi, tăng trưởng trở lại trong những tháng sắp tới", ông Lực nhận định.
Cùng quan điểm, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) trong báo cáo mới đây cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đã đạt được mục tiêu nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ mức tăng trưởng ấn tượng của GDP Việt Nam trong quý II/2024, đạt 6,93% và tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Kết quả này chủ yếu là nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch quay lại mức trước đại dịch COVID-19, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, thể hiện qua chỉ số PMI đạt 54,7 điểm vào cuối quý II.
Bên cạnh đó, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được xác định từ đầu năm như FDI và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục góp phần hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Điều này được minh chứng bởi kết quả khả quan của các ngân hàng nước ngoài có thế mạnh trong cho vay FDI, chẳng hạn như Shinhan Bank, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong 6 tháng đầu năm (năm 2023 tăng gần 20%).
Theo kết quả khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê - Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng sẽ cải thiện trong quý III/2024. Nhu cầu vay vốn được dự báo tăng mạnh hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn duy trì tốt trong quý II và dự kiến tiếp tục cải thiện trong quý III, mở ra cơ hội lớn cho việc tăng trưởng tín dụng.
VPBankS dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 14,83%, nhờ vào sự khởi sắc của mùa tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm, cùng với tác động tích cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giảm lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Kiểm soát rủi ro
Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể tới sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Báo cáo của VPBankS cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản vào cuối quý II/2024 đạt 3,083 triệu tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Ngành bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhờ vào nhu cầu cao và tài sản thế chấp ổn định.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giá trị tài sản giảm hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn, kéo theo nguy cơ gia tăng nợ xấu. Mặt khác, mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể trong năm qua nhưng giá nhà vẫn duy trì ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng vẫn cần tập trung vào việc xử lý nợ xấu tồn đọng.
Do đó, tình hình giải ngân cho vay mua nhà vẫn chưa thực sự tích cực. "Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và những điều chỉnh trong Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển tín dụng bền vững hơn. Đồng thời, sự thay đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng cũng sẽ góp phần cải thiện tính minh bạch, phát triển tín dụng tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng", báo cáo trên đề cập.
Liên quan đến lãi suất, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định: Lãi suất huy động vừa tăng một phần là do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một số loại lãi suất điều hành khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động ngắn hạn cùng tăng theo. Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước tăng một số lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu để đối phó với áp lực của tỷ giá. Đến nay, tỷ giá đang có xu hướng giảm và có thể còn giảm tiếp, Ngân hàng Nhà nước có thể có dư địa hạ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống. Khi đó, lãi suất huy động cũng sẽ ổn định.
"Tôi hy vọng lãi suất sẽ ổn định ở mức như hiện nay trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và vì thế sẽ không tạo nên áp lực đối với lãi suất cho vay", vị chuyên gia chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục.
VCBS ước tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt từ 12-13% với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.
Nhìn chung, tín dụng vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo Báo Tin Tức (TTXVN)