(ABO) Sáng 29-8, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2024, triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025 tại các vùng sản xuất phía Đông của tỉnh.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày những kết quả đạt được trong vụ hè thu 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả giữa Sở NN&PTNT, các Sở, ngành tỉnh và địa phương trong chỉ đạo điều hành sản xuất; sự đồng thuận của nông dân và có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, thương lái trong liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, vụ hè thu 2024 đạt được những hiệu quả kinh tế sản xuất như sau: Về cây lúa, ước tính giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2024 là 4.192 đồng/kg, với giá lúa hàng hóa trung bình cả vụ là 9.800 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 33,96 triệu đồng/ha, cao hơn 590.000 đồng/ha so với cùng kỳ năm trước, giúp gia tăng lợi nhuận cho nông dân; đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Các loại cây trồng khác như bắp, rau màu... cũng đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm trước. Tình hình tiêu thụ cây ăn ăn trái trong vụ tương đối thuận lợi, hiệu quả kinh tế đều tăng từ 2 đến 15 triệu đồng/ha tùy loại cây ăn trái, riêng thanh long tăng 111 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2023...
Hội nghị cũng đã triển khai Kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2024 ở các vùng sản xuất phía Đông của tỉnh. Theo kế hoạch, toàn vùng xuống giống lúa với tổng diện tích 100 ha tại huyện Chợ Gạo, ước sản lượng 533 tấn. Cắt vụ lúa thu đông 2024 trên các diện tích còn lại của vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, vận động người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày, hạn chế để đất trống trong thời gian cắt vụ lúa vừa đảm bảo lúa đông xuân 2024 - 2025 an toàn, vừa giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất, góp phần tối ưu hoá lợi nhuận cho người dân.
Toàn vùng tiếp tục gieo trồng thêm 5.405 ha cây màu thực phẩm, để đạt được diện tích 33.100 ha và sản lượng 700.312 tấn, đạt 100% kết hoạch năm 2024. Năm 2024, toàn vùng dự kiến diện tích sản xuất cây ăn trái 12.715 ha, sản lượng 333.628 tấn và phấn đấu đạt diện tích sản xuất dừa 13.071 ha, sản lượng 151.614 tấn, đạt 100% kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh Tiền Giang xuống giống với diện tích 40.938 ha, sản lượng 285.510 tấn, trong đó, ước toàn vùng sản xuất phía Đông xuống giống khoảng 19.890 ha, sản lượng 129.285 tấn. Trong vụ này, các huyện phía Đông cần tăng cường sản xuất các loại rau màu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, với diện tích 12.650 ha, ước sản lượng 237.820 tấn. Tổ chức chăm sóc tốt và rải vụ thu hoạch theo nhu cầu của thị trường đối với diện tích cây ăn trái hiện có, phấn đấu đạt sản lượng trái cây toàn vùng trong vụ là 106.560 tấn. Toàn vùng tiếp tục chăm sóc diện tích sản xuất dừa 13.071 ha, ước sản lượng 44.650 tấn.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang lưu ý những nội dung cần thực hiện trong thời gian tới: Các vùng sản xuất phía Đông có những giải pháp hợp lý trong mùa khô hạn, không để cho các đồng lúa cháy khô không thu hoạch được. Sang vụ đông xuân 2024 - 2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang phối hợp huyện Gò Công Đông có những giải pháp để người dân thu hoạch lúa trước Tết Nguyên đán. Riêng huyện Chợ Gạo cần tập trung có những biện pháp, giải pháp hiệu quả để khống chế bệnh sâu đầu đen trên cây dừa.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, trong tháng 9-2024, sẽ tiến hành tổ chức hội thảo về tích trữ nước ngọt cả vùng phía Đông và phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Từ đó, có những giải pháp tích trữ nước ngọt hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
H. THÔNG - C. THẮNG