.

Tiền Giang: Lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh

Cập nhật: 13:29, 28/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 28-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31-12-2023. Mục đích của việc xây dựng kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh; phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc; phân kỳ đầu tư cụ thể, khả thi; có cơ chế đánh giá kết quả và điều chỉnh nếu cần.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Theo dự thảo kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của vùng, tỉnh, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ, gắn với 4 hành lang kinh tế và 2 tâm, 1 dải động lực phát triển. Điều này nhằm tạo nền tảng quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Tiền Giang sẽ tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch gắn với 5 tuyến du lịch quan trọng; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết kế văn hóa, thể thao quan trọng; đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo...; quốc phòng, an ninh; đầu tư hạ tầng thủy lợi; cấp nước, thoát nước; phòng, chống thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang trình bày dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang trình bày dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư được xác định trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh gồm: Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng thủy nội địa, hạ tầng logistics, cảng cá, cảng chuyên dùng, cảng hành khác; các dự án phát triển vùng kinh tế biển, ven biển, phục hồi vùng đất ven biển; phát triển nguồn điện gió; các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ; khu đô thị, khu dân cư; dự án nhà ở xã hội; các dự án chế biến nông sản, thủy sản; các dự án cấp nước thô, nước sạch phục vụ sản xuất công nghiệp, đô thị và nông thôn; các dự án đầu tư phát triển du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ - thông tin và đảm bảo an sinh xã hội; các dự án về xử lý rác thải, nước thải và giảm ô nhiễm môi trường…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.

Tiền Giang sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; các dự án sử dụng lao động trình độ cao; các dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Đối với kế hoạch sử dụng đất, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2026 - 2030) theo quy định của pháp luật về đất đai trên cơ sở nhu cầu phát triển, bảo đảm khả thi, hiệu quả, bền vững và phù hợp với các định hướng sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước, Quy hoạch tỉnh bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7% - 8%/năm giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Tiền Giang dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 645.000 - 685.000 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện các nội dung trong dự thảo kế hoạch cũng được đề ra chi tiết.

Các chuyên gia phát biểu ý kiến.
Các chuyên gia phát biểu ý kiến.

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp và những gợi mở để xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang. Các sở, ngành và địa phương cũng có những đóng góp xoay quanh việc xây dựng kế hoạch.

Các chuyên gia phát biểu ý kiến.
Các chuyên gia phát biểu ý kiến.

Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện Tiền Giang đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực và quỹ đất, do đó, tất cả công trình, dự án nên tập trung vào kinh tế số.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến.

Do đó, Tiền Giang nên quan tâm tiếp tục đầu đầu tư để Mekong ITP đủ năng lực, là hạt nhân quan trọng của hệ sinh thái của các công viên phần mềm quốc gia sẽ phát huy lợi thế trung tâm và dẫn dắt sự kết nối vùng, tiểu vùng của Tiền Giang. Ngoài ra, Tiền Giang nên khai thác sức mạnh văn hóa.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở KH&ĐT nghiêm túc ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, sở, ngành để viết lại đảm bảo có luận cứ và tính thuyết phục cao nhằm tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến.

Các ý kiến, đóng góp nào chưa có trong quy hoạch thì cập nhật bổ sung vào kế hoạch thực hiện. Khi có ý kiến của các bộ, ngành thì phải có tiếp thu, giải trình và báo cáo UBND tỉnh để khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo hành lang pháp lý triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đạt hiệu quả nhất.

Lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến.

Đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát cơ chế, chính sách nào không còn phù hợp để đề xuất hủy bỏ và hình thành cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tế để tạo hành lang pháp lý nhằm tổ chức thực hiện đảm bảo khâu hậu kiểm về sau.

Sở KH&ĐT cố gắng trao đổi với các bộ, ngành Trung ương để sớm có ý kiến đóng góp để nhằm sớm nhất là cuối tháng 9, đầu tháng 10-2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh…

M. THÀNH

.
.
.