.

Tiền Giang: Ngăn chặn và xử lý các trường hợp nuôi hàu không theo quy định

Cập nhật: 20:21, 09/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, giải quyết các trường hợp nuôi hàu không theo quy định tại khu vực biển huyện Gò Công Đông.

Ngành Nông nghiệp cũng có phương án đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang xử lý các trường hợp nuôi hàu không theo quy định và lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về kế hoạch phát triển ngành Thủy sản của tỉnh.

Khu vực nuôi hàu tự phát tại vùng biển huyện Gò Công Đông.
Khu vực nuôi hàu tự phát tại vùng biển huyện Gò Công Đông.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, khu vực ven biển của các xã Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông) hiện có 66 cá nhân (trong đó có 8 cá nhân ngoài huyện Gò Công Đông, 21 cá nhân ngoài tỉnh Tiền Giang) tự phát thả 4.355 dây nuôi hàu, với tổng diện tích khoảng 465,6 ha.

Các chủ nuôi thường xuyên không có mặt tại khu vực nuôi, không có chồi/nhà bè quản lý, chăm sóc. Giai đoạn hàu lớn và chuẩn bị thu hoạch, chủ nuôi mới thường xuyên ra vào.

Việc nuôi hàu đã xuất hiện từ năm 2019. Trong đó có 4 cá nhân đã thả nuôi 4 dây nuôi hàu trên khu vực biển thuộc xã Kiểng Phước, Tân Điền và 15 đơn xin nuôi hàu của các hộ dân trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

UBND huyện Gò Công Đông đã nhiều lần có văn bản không cho phép nuôi hàu trên vùng biển ven bờ của huyện và đề nghị UBND các xã xử lý các trường hợp nuôi hàu không đúng quy định. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, hoạt động nuôi hàu không đúng quy định tăng nhanh, ngoài tầm kiểm soát của địa phương.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiệu quả kinh tế của nuôi hàu cao rất nhiều so với các nghề biển hiện tại trên địa bàn tỉnh. Ước tính hiệu quả kinh tế trên 500 triệu đồng/1 ha nuôi hàu.

Đồng thời, mô hình nuôi hàu ít tốn công chăm sóc, kỹ thuật đơn giản, không cần đầu tư con giống, thức ăn, có thể đầu tư nhỏ lẻ với chi phí vừa phải. Do đó, người dân đã tập trung phát triển tự phát vùng nuôi tăng nhanh đột biến.

Kết quả rà soát quy hoạch phát triển khu vực biển cho thấy, toàn khu vực nuôi hàu trên biển huyện Gò Công Đông nằm trong phạm vi 3 hải lý, thuộc khu vực quản lý nuôi biển của tỉnh Tiền Giang.

Điều này phù hợp với định hướng phát triển vùng nuôi trồng thủy sản trên hệ sinh thái mặn lợi tại các vùng ven biển Gò Công Đông, Tân Phú Đông trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; không chồng lấn với Quy hoạch Lâm nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2030 và khu vực Quy hoạch về quốc phòng an ninh trên phạm vi vùng biển từ 0-6 hải lý.

Tuy nhiên, khu vực nuôi hàu có khả năng chồng lấn một phần hoặc toàn phần với khu vực triển khai thực hiện các Dự án Cảng tổng hợp Gò Công, Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2, Quy hoạch Nhà máy điện gió Tân Thành và Quy hoạch đô thị thông minh kết hợp với đô thị lấn biển.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành và địa phương tham mưu trình UBND tỉnh dự thảo Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh.

Sau khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch nuôi biển, ngành Nông nghiệp sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn liên ngành để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp giấy phép nuôi biển và thủ tục giao mặt nước biển theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường tuyên truyền các quy định về cấp phép nuôi biển và đề nghị giao khu vực biển; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định về nuôi thủy sản trên biển. Sở NN&PTNT đã tham mưu dự thảo báo cáo của UBND tỉnh trình xin chủ trương phương án xử lý các trường hợp nuôi hàu không đúng quy định.

Ý PHƯƠNG

 

.
.
.