.

Tiền Giang nỗ lực về đích - Bài 1: Xây dựng nền nông nghiệp bền chắc

Cập nhật: 12:21, 12/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang tập trung, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nên việc Tiền Giang lựa chọn mặt trận nông nghiệp là một trong những khâu đột phá là điều đương nhiên.

XÁC ĐỊNH RÕ HƯỚNG ĐI

Tiền Giang xác định tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến, tiêu thụ trái cây là những bước đi quan trọng nhằm tận dụng và khai thác lợi thế hiện hữu.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cho rằng, trước những dự báo tình hình cùng với những khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng bình quân trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là 3,5%/năm, cần có giải pháp đối với các vấn đề cần đặt ra trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

v
Chế biến trái cây đã được các doanh nghiệp chú trọng. (Ảnh: MINH THÀNH).

Cụ thể hóa các mục tiêu đã được đề ra, Tiền Giang luôn xác định khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Tiền Giang đã tập trung triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhất là các huyện phía Đông theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu… đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,7%/năm (năm 2021 tăng 0,56%, năm 2022 tăng 3,54%, năm 2023 tăng 4,14%). Một trong những thành công quan trọng của Tiền Giang nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng là kết quả xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong 3 năm (2021-2023) toàn tỉnh có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 39 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Gò Công Tây) được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (giảm 4 xã: Long Hưng, Long Chánh, Long Hòa, Long Thuận đã được nâng thành phường), trong đó có 51 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 6/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Nhìn chung, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao theo chỉ tiêu tại Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang đề ra.

Đánh giá về việc triển khai thực hiện các giải pháp, tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy Tiền Giang gần đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang đã triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” từ năm 2016 và đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, Tiền Giang đã cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được hơn 55.700 ha. Hiệu quả mang lại rõ nhất là sắp xếp lại mùa vụ, giúp bảo vệ sản xuất, né hạn, mặn, giảm thiệt hại trong sản xuất trước ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, các hoạt động của đề án đã giúp các địa phương gia tăng hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường vùng thực hiện đề án.

a
Trái sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tiền Giang.

Riêng về chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, trên cây ăn trái, các tiến bộ kỹ thuật trong khâu chăm sóc, bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại, bao trái, sản xuất theo GAP được nhiều nhà vườn ứng dụng vào sản xuất. Theo đó, hiệu quả rõ nhất là lợi nhuận mang lại từ 150 đến 500 triệu đồng cho mỗi ha, tùy vào mỗi loại cây trồng.

Thống kê của ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 210 doanh nghiệp thu mua, sơ chế, bảo quản, đóng gói và chế biến trái cây. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã quan tâm đầu tư vào khâu chế biến sâu, cấp đông tỷ lệ sản phẩm ngày càng gia tăng (hiện chiếm khoảng 10% đến 12% sản phẩm tươi), đã góp phần làm gia tăng giá trị trái cây ngoài xuất khẩu tươi. Theo đó, trung bình mỗi năm gần đây, xuất khẩu rau, quả của Tiền Giang đạt trên 38 triệu USD.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Cùng với nhiều lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng chịu tác động rất lớn khi bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, nặng nề nhất vẫn là dịch Covid-19. Chưa kể, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên hơn, bất thường hơn, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang nói riêng, cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Điều đặc biệt là, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, năm 2021 khu vực nông, lâm, ngư nghiệp của Tiền Giang chỉ tăng trưởng 0,56%, mức rất thấp so với bình quân của nhiều năm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu của ngành trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 của Tiền Giang.

Thế nhưng, dù chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng Nông nghiệp Tiền Giang trong những năm qua cũng được xem là một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, là “trụ đỡ” vững chắc góp phần tạo sinh kế, ổn định đời sống của người dân nông thôn. Bằng chứng cụ thể là, từ năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp Tiền Giang bắt đầu đà tăng trưởng trở lại và đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đã được đặt ra.

b
Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đã phát huy hiệu quả cao.

Kết quả cụ thể gần đây cho thấy, năm 2023, sản lượng cây ăn quả của Tiền Giang đạt khoảng 1,75 triệu tấn, tăng hơn 231 ngàn tấn so với năm 2020. Nếu tính bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 0,97% về diện tích và 4,81% về sản lượng, với nhiều cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Chưa kể, sản lượng thủy sản của Tiền Giang đạt hơn 310 ngàn tấn, tăng bình quân 0,8%/năm, tổng đàn gia súc đạt 553 ngàn con, tổng đàn gia cầm có 16,3 triệu con... Tiền Giang cũng đã thu hút được nhiều dự án chế biến nông, thủy sản quy mô vừa, lớn với công nghệ ngày càng hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

Điều đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục đà tăng tốc. Theo đó, sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định; lúa, rau màu và trái cây được giá tốt, các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản giá cả ổn định… Đây là dấu hiệu tích cực để ngành Nông nghiệp Tiền Giang hướng đến hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng sẽ duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai…

TA
(Còn tiếp)

.
.
.