Thứ Ba, 13/08/2024, 20:56 (GMT+7)
.

Tiền Giang nỗ lực về đích - Bài 2: Giao thông đi trước mở đường

(ABO) Nhiều công trình, dự án quan trọng liên quan đến ngành Giao thông đã được triển khai thực hiện, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, mở rộng kết nối với các tỉnh, thành trong vùng, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang.

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI cũng đã xác định một trong những khâu đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Theo đó, Tiền Giang sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long... trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

b
Dự án cầu Rạch Miễu 2 đang được gấp rút thi công. Ảnh: TUẤN LÂM.

 Để thực hiện thành công khâu đột phá này, thực hiện chủ trương: “Phát triển giao thông vận tải là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng và giao thông vận tải phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”, trong thời gian qua ngành Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các công trình giao thông mang tính kết nối vùng, liên vùng.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt là trong thời gian qua ngành Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đã tham mưu cho tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh mang tính chất liên kết với các địa phương trong vùng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chẳng hạn, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành đưa vào sử dụng với chiều dài hơn 51 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng; cầu Mỹ Thuận 2 với chiều dài hơn 6,6 km, với tổng mức đầu tư khoảng 5.003 tỷ đồng cũng đã đưa vào khai thác; dự án cầu Rạch Miễu với chiều dài 17,6 km cũng đang gấp rút thi công, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026; dự án kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành... Đặc biệt là dự án thành phần 2, đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, với chiều dài hơn 11 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang cũng mới vừa được chính thức động thổ giai đoạn I vào ngày 12-8.

HOÀN THIỆN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Bên cạnh các dự án do Trung ương đầu tư, trong thời gian qua tỉnh Tiền Giang cũng đã tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều công trình mang tính trọng điểm. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, một trong những dự án quan trọng được đề xuất là Công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030 là Dự án đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) với tổng chiều dài khoảng 111 km từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) đến đường tỉnh 862 thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, với tổng mức đầu tư khoảng 3.262 tỷ đồng. Hiện giai đoạn I của dự án đang được gấp rút thi công và hoàn thành trong cuối năm 2024. Đây là dự án mang lại ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang nói chung, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh.

V
Dự án đường tỉnh 864 giai đoạn I sắp hoàn thành. Ảnh: MINH THÀNH.

Bên cạnh đó, Dự án đường giao thông 2 bên đường sông Bảo Định cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của đô thị Mỹ Tho, để Mỹ Tho xứng tầm là đô thị trung tâm về kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

Song song đó, nhiều công trình, dự án mang tính chiến lược, quan trọng cũng đã và đang được triển khai thực hiện: Dự án đường giao thông phục vụ công nghiệp phía Đông; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879, cầu Tân Phong… Trước đó, nhiều dự án, công trình giao thông cũng đã được tỉnh Tiền Giang đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác: Cầu Vàm Cái Thia, Cầu Tân Thạnh, đường tỉnh 873, đường tỉnh 874, đường tỉnh 871…

N
Cầu Xuân Hòa thuộc Dự án Đường tỉnh 864 đang được gấp rút thi công.

Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ sẽ được tỉnh Tiền Giang tiếp tục tận dụng, huy động các nguồn lực thực hiện. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy Tiền Giang gần đây, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, trong thời gian tới ngành Giao thông vận tải Tiền Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các công trình có tính chất liên kết vùng, liên vùng. Chẳng hạn như tuyến đường bộ ven biển kết nối ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; dự án đường tỉnh 877C kết nối Khu công nghiệp Tân Hương với Khu công nghiệp phía Đông song song Quốc lộ 50 về hướng Bắc...

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, ngành Giao thông vận tải sẽ khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện hợp phần giao thông được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhất là các tuyến chính, liên kết vùng; tham mưu mời gọi các nhà đầu tư thực hiện một số dự án: Đường Hùng Vương và khu dân cư hai bên đường; đầu tư hoàn thiện cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; thu hút đầu tư hệ thống cảng tổng hợp, bến thủy nội địa để góp phần phát triển hệ thống Logistics...

TA

(Còn tiếp)

 

.
.
.