Thứ Bảy, 17/08/2024, 15:24 (GMT+7)
.

Tiền Giang nỗ lực về đích - Bài 4: Tăng cường kết nối

(ABO) Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát huy vai trò kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

CỬA NGỎ QUAN TRỌNG

Một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được Tiền Giang đặt ra là tập trung thực hiện hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên và liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh. Cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã tham gia hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Duyên hải phía Đông ĐBSCL hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh.

b
Các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh góp phần giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong vùng.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền, cách trung tâm lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km và vùng ĐBSCL là TP. Cần Thơ khoảng 100 km, đây được xem là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh còn có các trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, Quốc lộ 30, đặc biệt là đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Trung Lương - Mỹ Thuận và trong tương lai có tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cùng với hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kinh Chợ Gạo đã tạo cho Tiền Giang có vị thế là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TP. Hồ Chí Minh, đây là lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa đạng của các vùng sinh thái khác nhau và với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao trên sông, có bờ biển dài 32 km, các di tích văn hoá - lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười... đây cũng là lợi thế cho việc phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác của Tiền Giang, là điều kiện thuận lợi để kết nối về phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.

b
Tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm giúp Tiền Giang tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng.

Trong những năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị; của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Tiền Giang đã từng bước phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu về xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới đều tăng qua từng năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
 
TIỀM LỰC CÒN LỚN

Thời gian qua Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh mang tính chất liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Một số kết quả nổi bật như: Hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2; cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; hoàn thành mở rộng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1; hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 50; phối hợp thực hiện Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre…

Để tăng cường tính kết nối vùng, liên vùng, Tiền Giang cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư Dự án Trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (tuyến Quốc lộ 50B theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021); trong đó, đoạn qua tỉnh Tiền Giang có tổng mức đầu tư dự kiến 2.084 tỷ đồng, chiều dài tuyến khoảng 15 km, mặt đường rộng 40 m, quy mô 6 làn xe. Dự án đáp ứng được tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, tạo động lực lan tỏa, tăng cường kết nối giao thông, mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo quỹ đất cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai.

Thời gian qua tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực vận tải thủy trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh như kinh Chợ Gạo, Nguyễn Văn Tiếp, sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp… thúc đẩy phát triển mạnh lưu thông hàng hóa đường thủy góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo; Dự án Cảng du thuyền Mỹ Tho đã đưa vào hoạt động đến nay phát huy rất cao hiệu quả đầu tư, là điểm dừng chân của các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế, cả về du lịch đường thủy và du lịch đường bộ. Tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan đầu tư dự án tuyến phà biển kết nối từ Vàm Láng đi Cần Giờ, Vũng Tàu...

Nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Theo định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL và vùng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL và vùng sông Mê Kông mở rộng, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn, Tiền Giang phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước.

g
Tiềm lực kinh tế biển của Tiền Giang còn rất lớn. Ảnh: MINH THÀNH.

Trên thực tế, Tiền Giang có hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng, có diện tích trồng lúa 136 nghìn ha, diện tích cây ăn quả hơn 81 nghìn ha, diện tích rau màu thực phẩm hơn 54 nghìn ha, có bờ biển dài 32 km với hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, thích hợp trong nuôi trồng các loài thủy, hải sản và phát triển đa dạng kinh tế biển. Với các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp đã được đầu tư như: Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng, Chợ trái cây Hòa Khánh, Chợ trái cây Vĩnh Kim, khu xay xát lúa gạo ở Cái Bè… Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, Tiền Giang đảm bảo cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Ngoài ra, Tiền Giang còn dư địa để phát triển các khu - cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quỹ đất do Nhà nước quản lý để phát triển các khu công nghiệp tại huyện Tân Phước, vùng Gò Công, huyện Tân Phú Đông. Không gian kinh tế biển của Tiền Giang hiện còn nhiều tiềm năng (khu vực biển Gò Công, Cồn Ngang) nhưng chưa được khai thác. Tỉnh Tiền Giang mong muốn các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư khu dân cư, khu đô thị biển, cảng biển, du lịch biển.

Để phát huy các lợi thế trên, tỉnh Tiền Giang đã tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước, vùng công nghiệp Gò Công, quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung.

Trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh Tiền Giang ưu tiên đầu tư các công trình giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư để giới thiệu cho nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận dự án.

TA
(Còn tiếp)

.
.
.