Tiền Giang: Thúc đẩy Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
(ABO) Ngày 16-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xoay quanh nội dung cho vay trong lĩnh vực bất động sản về NƠXH; thông tin tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển NƠXH theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Nhựt phát biểu tại hội nghị. |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 4-2023 theo Nghị quyết 33 của Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ cho vay đối với chủ đầu tư và người mua NƠXH, nhà ở công nhân. Trong đó, tham gia thực hiện gồm 8 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, VPBank, TPBank, Techcombank, MBBank.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà. Hiện lãi suất cho vay là 7%/năm đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án và 6,5%/năm đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Thiện Ý phát biểu tại hội nghị. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Tiền Giang Huỳnh Hữu Quyền phát biểu tại hội nghị. |
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã: Ban hành văn bản đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh lập danh mục dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ để các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ vốn vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; tổ chức họp, ban hành văn bản triển khai đến các chi nhánh ngân hàng thương mại có hệ thống Hội sở tham gia Chương trình, chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân về Dự án NƠXH Khu công nghiệp Tân Hương; chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên cơ sở các mức giá của dự án mà có kế hoạch tiếp cận chủ đầu tư và người mua nhà để giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến khách hàng trong ngày mở bán căn hộ chính thức.
Giám đốc Vietcombank Tiền Giang Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại hội nghị. |
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. |
Trong tháng 7-2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất Chính phủ chấp thuận điều chỉnh nội dung Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết 33 của Chính phủ theo hướng lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở thấp hơn từ 1% - 3% so với lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ trung dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội sở các tổ chức tín dụng đã kịp thời ban hành các quy định nội bộ về triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đến các chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các chi nhánh ngân hành thương mại nhà nước sẽ phối hợp với chủ đầu tư dự án để giới thiệu đến khách hàng Chương trình cho vay NƠXH và các chương trình ưu đãi, sản phẩm dịch vụ của chi nhánh trong ngày mở bán căn hộ của dự án.
Tính đến hết ngày 31-7-2024, cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH, kết quả còn 202 khách hàng còn dư nợ trên 72,7 tỷ đồng.
Đại biểu đến dự tại hội nghị. |
Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, các chi nhánh ngân hành thương mại đẩy mạnh thực hiện Chương trình cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng), chủ động tiếp cận người mua nhà trong ngày chào bán căn hộ của dự án.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
LÊ MINH