Thứ Sáu, 09/08/2024, 09:10 (GMT+7)
.

Từ đặc sản địa phương đến sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, nhiều đặc sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng phát triển sản phẩm OCOP. Điều này giúp đặc sản tỉnh nhà thêm vươn xa.

NÂNG TẦM ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng ở phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia với mục tiêu nâng tầm sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương mình.

Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm đã xây dựng sản phẩm mắm tôm chà và nhiều loại mắm khác đạt chuẩn OCOP.
Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm đã xây dựng sản phẩm mắm tôm chà và nhiều loại mắm khác đạt chuẩn OCOP.

Xoài cát Hòa Lộc là đặc sản nổi tiếng của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Loại trái cây đặc sản này không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn được xuất khẩu sang thị trường các nước. Xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Để thương hiệu xoài cát Hòa Lộc ngày càng vươn xa, Hợp tác xã (HTX) Hòa Lộc (huyện Cái Bè) cùng các thành viên HTX đã từng bước xây dựng và phát triển loại trái đặc sản này thành sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2020.

Đặc biệt, với mong muốn nâng tầm đặc sản địa phương, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) đã nghiên cứu chế biến trái xoài cát Hòa Lộc thành sản phẩm OCOP.

Theo đó, công ty đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, thành lập để sản xuất sản phẩm “xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo Bamofood”. Với mục tiêu sản xuất thực phẩm sạch, không chất bảo quản, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của công ty dần được thị trường đón nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, thời gian qua, huyện đã tập trung quyết liệt trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Qua thời gian triển khai, các chủ thể ngày càng chăm chút sản phẩm hơn để đảm bảo uy tín và chất lượng cung ứng thị trường. Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã đạt kết quả vượt ngoài mong đợi.

Chương trình OCOP đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xã trên địa bàn. Hiện các chủ thể đã xác định rõ việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ giúp phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm trước đây mang tính truyền thống.

Trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 70 sản phẩm OCOP. Muốn làm được điều này, tất cả các xã, ngành liên quan phải vào cuộc; trong đó, phải định hướng, giúp đỡ cho người dân thực hiện các thủ tục, hồ sơ.

Hội đồng xét công nhận sản phẩm OCOP huyện phải nâng cao năng lực, khả năng đánh giá để sản phẩm của địa phương đưa ra thị trường đạt chất lượng cao nhất.

Để nâng tầm sản phẩm, công ty đã chú trọng sản xuất theo quy trình, tiêu chí của sản phẩm OCOP. Sau thời gian nỗ lực không ngừng, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất chính là có thể góp phần giải quyết đầu ra cho trái cây đặc sản địa phương và tạo thêm thu nhập cho chị em phụ nữ địa phương”.

Lạp xưởng từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của nhiều hộ gia đình ở Cai Lậy. Tiếng lành đồn xa, lạp xưởng Cai Lậy được khá nhiều người biết đến. Từ đó, lạp xưởng trở thành đặc sản nơi đây. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh lạp xưởng tại huyện Cai Lậy phát triển càng mạnh. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh tập trung theo ven Quốc lộ 1.

Cùng với sự phát triển về số lượng, các cơ sở cũng không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm đặc sản này. Trong đó, hộ kinh doanh A Thạch (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) đã tiên phong sản xuất sản phẩm lạp xưởng theo tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, sản phẩm của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Thạch, chủ hộ kinh doanh A Thạch cho biết, trung bình khoảng 3 ngày cơ sở sản xuất lạp xưởng 1 lần. Ngoài việc sản xuất để buôn bán tại cửa hàng, cơ sở còn cung ứng cho nơi khác để bán lại cho người dân. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, người tiêu dùng sẽ an tâm vào chất lượng lạp xưởng của cơ sở sản xuất; từ đó có nhiều người biết đến sản phẩm hơn.

VƯƠN XA CÁC SẢN PHẨM OCOP

Sơ ri là loại trái cây đặc sản của vùng đất Gò Công. Tuy nhiên, diện tích trồng nhỏ lẻ, sản xuất không theo quy trình đồng nhất là một trong những khó khăn trong phát triển sản xuất loại trái này. Để nâng cao giá trị loại trái cây đặc sản này, HTX Sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ trái sơ ri; trong đó mứt là mặt hàng chủ lực. Điều này góp phần nâng cao giá trị cho trái sơ ri Gò Công, ngày càng được nhiều người biết đến.

Theo lãnh đạo HTX Sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông, đơn vị đã sản xuất sản phẩm mứt sơ ri theo tiêu chuẩn OCOP và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020. Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tìm kiếm đối tác.

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận chế biến trái xoài cát Hòa Lộc thành sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận chế biến trái xoài cát Hòa Lộc thành sản phẩm OCOP.

Từ những nỗ lực trên, sản phẩm của HTX đã được nhiều người biết đến và từng bước mở rộng thị trường. Sản phẩm của HTX đã có mặt tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng khoảng 1 - 2 tấn mứt cho thị trường. Mứt sơ ri của HTX tiêu thụ mạnh ở các tỉnh miền Trung, Bắc.

Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng. Mắm tôm chà là đặc sản nổi tiếng của vùng Gò Công. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của ông bà để lại, bước đầu, bà Huỳnh Thị Diễm (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) đã thành lập Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Diễm.

Sau đó, cơ sở được nâng lên thành Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm. Để nâng tầm các sản phẩm mắm, đặc biệt là mắm tôm chà - đặc sản tiến vua, bà Diễm đã bắt tay vào sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Từ những nỗ lực không ngừng, đến nay, công ty của bà đã có được nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc và mắm ruốc sả ớt. Việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến, khẳng định thương hiệu với thị trường.

Sản phẩm của công ty hiện đã được phân phối tại nhiều tỉnh, thành, hệ thống siêu thị và cả trên các trang thương mại điện tử. Đây là bước tiến vượt bậc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Trong đó, bệ phóng chính là việc sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, sau thời gian triển khai Chương trình OCOP, điểm nổi bật nhất là thông qua các chương trình kết nối, xúc tiến, những sản phẩm thay vì quanh quẩn ở làng quê thì nay đã được vươn xa, khơi dậy tiềm năng ở các vùng nông thôn. Từ đó, nông dân tự tin hơn.

Từ việc sản phẩm chỉ bán thô, thì giờ họ mạnh dạn chế biến sản phẩm. Mặt khác, chương trình cũng kích thích được nhiều người trẻ về quê xây dựng sản phẩm OCOP để khởi nghiệp.

T. ĐẠT - H. THÔNG - T.T

.
.
Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ýMua ngay Thập cẩm sấy giá rẻĐơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín
.