Thứ Sáu, 30/08/2024, 13:26 (GMT+7)
.

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Động lực cơ cấu lại ngành hàng dừa

Dừa tươi xuất khẩu mới chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu các sản phẩm dừa của Việt Nam.

Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây cũng là động lực để ngành hàng này cơ cấu lại sản xuất theo định hướng thị trường.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, không chỉ đón tin vui từ thị trường Trung Quốc, nhu cầu từ các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông… cũng đang cao nên nhu cầu mua dừa tươi hiện đang tăng mạnh. Năm nay, xuất khẩu dừa tươi sẽ có sự đột phá, dự kiến sẽ đạt 250 triệu USD. 

Chủ động chào đón khi sẽ có thêm khách hàng lớn, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây MEKONG (Bến Tre) cho biết, được sự hỗ trợ của tỉnh Bến Tre, doanh nghiệp đã liên kết với nông dân địa phương xây dựng vùng trồng với 50ha. Doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm được cấp mã số.

Đang chủ yếu xuất khẩu dừa khô, nhưng nhờ đã có những khách hàng quen thuộc nên việc được xuất khẩu thêm sản phẩm dừa tươi đối với ông Tom Nguyen, Giám đốc Công ty TNHH nông sản quốc tế Việt Nam là thêm cơ hôi. Để xuất khẩu được dừa tươi thì phải có mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Hiện doanh nghiệp của ông đang chuẩn bị hồ sơ để được cơ quan chức năng cấp sớm.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Trung Quốc là một thị trường lớn và tiềm năng với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ nông sản; trong đó có dừa tươi rất cao. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết giúp dừa tươi Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường này một cách bền vững và quy mô lớn hơn.

Khi sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang một thị trường lớn như Trung Quốc, giá trị sản phẩm có thể tăng lên nhờ nhu cầu cao. Điều này cũng giúp ổn định giá cả trên thị trường trong nước, giảm thiểu tình trạng giá rớt vào mùa thu hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 6, sau Philipines, Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Srilanka trong nhóm 10 quốc gia có diện tích, sản lượng dừa lớn nhất thế giới. Tổng diện tích hiện có khoảng gần 200.000 ha, sản lượng 2,1 triệu tấn.

Các tỉnh có diện tích dừa lớn như: Bến Tre 79.100 ha, chiếm 39,7% cả nước; Trà Vinh 27.400 ha, chiếm 13,8%; Tiền Giang 22.500 ha, chiếm 11,3%; Vĩnh Long 10.800 ha, chiếm 5,5%; tiếp đến là Bình Định, Sóc Trăng, Cà Mau... 

Tuy nhiên, ông Cao Bá Đăng Khoa cũng cho biết, khó khăn với ngành hàng dừa là sự phát triển tự phát, không có sự định hướng trong sản xuất. Hiện có khoảng 15 loại dừa tươi, phổ biến nhất khoảng 10 loại. Nông dân trồng nhiều loại dừa nên dừa có chất lượng, kích thước khác nhau. Bởi vậy, việc mua được đủ số lượng lớn cùng loại, đồng đều chất lượng để xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ mở ra sẽ là động lực lớn để các địa phương đẩy mạnh trồng mới và tái canh dừa.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Sơ chế dừa tươi xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, thị trường Trung Quốc mở ra, cùng với nhu cầu tăng lên từ các thị trường khác đòi hỏi các hợp tác xã cần định hướng cho nông dân trồng loại dừa phù hợp với thị trường mục tiêu. Các địa phương cũng cần có sự định hướng trong phát triển vùng trồng dừa để xuất khẩu trái tươi. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, tỉnh có 9 vùng trồng dừa với trên 1.240 ha đáp ứng được yêu cầu của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã thực hiện thủ tục đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, tổng hợp và đàm phán với nước nhập khẩu (Trung Quốc) để được cấp mã số.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tích cực hướng dẫn nhà vườn thực hiện thống nhất quy trình sản xuất, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu và tuân thủ đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác đăng ký chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, mua bán.

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030; trong đó có cây dừa với định hướng phát triển dừa đến năm 2030 với khoảng 195.000 - 210.000 ha. Trong số đó, vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000 ha, vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ từ 16.000 – 20.000 ha, còn lại được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...

Cơ hội từ thị trường mở ra cùng với việc thực hiện đề án, ông Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, ngành đẩy mạnh chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa Dứa... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%. Cùng với đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất.

Không chỉ lấy trái dừa tươi, các vùng trồng dừa còn có thể kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, các tỉnh xác định vùng sản xuất tập trung, rà soát diện tích trồng dừa trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dừa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối doanh nghiệp với hộ gia đình trồng dừa.

(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-chinh-ngach-sang-trung-quoc-dong-luc-co-cau-lai-nganh-hang-dua-20240829162100122.htm)

 

 

.
.
.