Thứ Hai, 05/08/2024, 16:43 (GMT+7)
.

Xuất khẩu thủy sản tháng 7 cao nhất kể từ đầu năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 7/2024 ước đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực đều có tăng trưởng khởi sắc hơn; trong đó, xuất khẩu tôm tăng 11%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tăng lần lượt 24% và 32%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%, riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 21%.

Lũy kế 7 tháng qua, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%, tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10%; xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần 3 lần đạt 145 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra cũng có tín hiệu sáng hơn với mức tăng 23% trong tháng 7; trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20 - 40%, trừ thị trường EU tăng nhẹ 5%. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số một của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm 2,3%. Thị trường này tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn, trên1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile. Ngoài ra đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.

Với cá ngừ, sau thời gian liên tục tăng trưởng 2 con số, từ 16 - 32%, xuất khẩu tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ; trong đó, 2 dòng sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ đóng hộp, đóng túi và cá ngừ loin/phile đông lạnh.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep cho biết, từ khi Nghị định 37/2024/ NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực (từ 19/5/2024), doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ rơi vào tình thế “mệt mỏi” vì không mua được nguyên liệu cá ngừ đóng hộp vì quy định mới yêu cầu cá ngừ vằn khai thác phải đạt kích cỡ tối thiểu 0,5 m trở lên.

Trong 2 tháng qua kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn của ngư dân khai thác trong nước do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 m trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37. Trong khi giai đoạn tháng 7, 8, 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm khai thác cá ngừ vằn của ngư dân Việt Nam.

Trước tình hình đó, Vasep đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kiến nghị sửa đổi Nghị định 37 cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn; trong đó có nội dung liên quan đến quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn. Đồng thời, Vasep cũng gửi công văn tới doanh nghiệp hội viên đề nghị tuân thủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và quy định tại Nghị định 37 trong thời gian chờ Chính phủ xem xét, sửa đổi.

Theo bà Lê Hằng, ngoài cá ngừ, các sản phẩm thủy sản khác như mực, bạch tuộc và các loại cá biển khác cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu để xuất khẩu, không được xác nhận nguyên liệu khai thác để xuất khẩu đi EU. Xuất khẩu các loại cá biển khác cũng bị giảm hơn 4% trong 7 tháng. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 351 triệu USD.

Nhóm bốn thị trường chính có dấu hiệu hồi phục nhu cầu về thuỷ sản rõ rệt trong tháng 7 gồm: Trung Quốc tăng  30%, Mỹ tăng 14%, và EU tăng 14%, Nhật Bản tăng 11%. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc đều tăng 10% và chiếm tỷ trọng tương đương nhau, gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt trên 930 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng tăng 10% đạt trên 600 triệu USD. Riêng thị trường Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1% đạt 426 triệu USD.

Xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Mỹ và EU sẽ là hai thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm nhờ những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn chưa đột phá với giá tương đối thấp. Đổi lại, Trung Quốc lại là điểm đến hàng đầu cho phân khúc thủy sản tươi, sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch. Do vậy, các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc... của Việt Nam sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-thang-7-cao-nhat-ke-tudau-nam-20240805114516361.htm)

 

 

 

 

.
.
Phần mềm Gen Farmer Hà NộiCửa hàng Hải Sản Trung Nam TPHCM
.