Thứ Ba, 10/09/2024, 08:24 (GMT+7)
.

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đi nào cho cây dứa?

Dứa (khóm) là cây ăn trái được sản xuất và tiêu thụ phổ biến trên thế giới, ngành hàng này đã và đang trở thành nguồn thu ngoại tệ cho đất nước thông qua xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là cây trồng góp phần xóa khó giảm nghèo ở những vùng đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhu cầu thị trường luôn có nhưng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu dứa ngày càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, ĐBSCL vẫn có thể phát triển ngành hàng này với những hướng đi phù hợp.

TIỀM NĂNG CÒN LỚN

Biểu đồ 1: Sản lượng dứa thế giới qua 10 năm (2013 - 2022). Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của FAO.
Biểu đồ 1: Sản lượng dứa thế giới qua 10 năm (2013 - 2022). Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của FAO.

Cây dứa được trồng tại nhiều nước trên thế giới (trên 85 quốc gia), tuy có những thăng trầm nhất định trong quá trình phát triển, song sản lượng dứa thế giới vẫn có xu hướng tăng trong 10 năm gần đây, với tốc độ tăng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2013 - 2022 đạt 1,9%/năm; nếu như năm 2013 sản lượng dứa thế giới đạt 24,79 triệu tấn, thì năm 2022 đạt 29,36 triệu tấn (Biểu đồ 1).

Theo số liệu thống kê của FAO, Indonesia là nước trồng dứa lớn nhất thế giới, trong năm 2022, nước này đã sản xuất được 3,204 triệu tấn, tiếp theo là Phillipines 2,914 triệu tấn, Costa Rica 2,908 triệu tấn, Brazil 2,337 triệu tấn, Trung Quốc 1,96 triệu tấn, Ấn Độ 1,851 triệu tấn, Thái Lan 1,714 triệu tấn, Nigeria 1,607 triệu tấn, Mexico 1,247 triệu tấn, Colombia 0,920 triệu tấn, Angola  0,71 triệu tấn.

Việt Nam sản xuất dứa với sản lượng đạt 0,705 triệu tấn, đứng thứ 12 thế giới về sản lượng. Theo số liệu của FAO, sản lượng dứa xuất khẩu của thế giới đạt 3,2 triệu tấn vào năm 2023, Costa Rica là nước xuất khẩu dứa lớn nhất thế giới, chiếm đến 65% sản lượng dứa xuất khẩu toàn cầu, tiếp theo là Phillipines đạt 610 ngàn tấn, chiếm khoảng 19% sản lượng dứa xuất khẩu của thế giới, những nước xuất khẩu dứa lớn tiếp theo là Ecuado, Mexico…; Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là 3 nước nhập khẩu dứa nhiều nhất thế giới.

Thị trường tiêu thụ dứa của Việt Nam bao gồm nội địa và xuất khẩu, đối với kênh tiêu thụ tươi nội địa, trái dứa có mặt hầu hết các chợ bán lẻ, có vai trò trong việc ăn tươi và làm thực phẩm (nấu canh chua …). Xuất khẩu dứa của Việt Nam bao gồm dứa tươi và chế biến, tuy nhiên xuất khẩu dứa tươi hiện còn khiêm tốn, chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng chế biến.

Trong năm 2023, cả nước xuất khẩu được 38,75 triệu USD dứa chế biến, trong khi kim ngạch xuất khẩu dứa tươi chỉ đạt 5,13 triệu USD, chỉ chiếm 12% (nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Công thương).

Biểu đồ 2: Vị trí của trái dứa tươi về kim ngạch xất khẩu so với một số loại cây ăn trái của Việt Nam năm 2023. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Công Thương.
Biểu đồ 2: Vị trí của trái dứa tươi về kim ngạch xuất khẩu so với một số loại cây ăn trái của Việt Nam năm 2023. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Công Thương.

Xuất khẩu dứa tươi của Việt Nam hiện còn những khó khăn nhất định, trong đó có yếu tố quản lý chất lượng, bảo quản sau thu hoạch… Thị trường dứa tươi thế giới vẫn có xu hướng tăng, song cạnh tranh của trái dứa tươi của nước ta còn hạn chế so với các nước xuất khẩu dứa lớn như Costa Rica, Phillipines, Thái Lan…; do đó kim ngạch xuất khẩu tươi đang ở vị trí thấp so với nhiều loại trái cây khác như: Sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài … (Biểu đồ 2).

NHẬN ĐỊNH VÀ XU HƯỚNG

Ở Việt Nam, ĐBSCL là vùng trồng dứa lớn nhất, đã đạt 397,4 ngàn tấn vào năm 2022, chiếm đến 57% sản lượng dứa của cả nước. Sản xuất dứa ở ĐBSCL có đóng góp khá lớn trong việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và phục vụ thị trường ăn tươi, làm thực phẩm, trong khi xuất khẩu dứa tươi còn có những khó khăn nhất định.

Thị trường xuất khẩu dứa chế biến của Việt Nam khá rộng lớn bao gồm thị trường EU, Nga, Mỹ, Hàn Quốc…; tuy nhiên, các sản phẩm dứa chế biến của Việt Nam phải chịu cạnh tranh rất gay gắt với nhiều nước xuất khẩu dứa lớn trên thế giới, trong đó có yếu tố hiệu suất chế biến dứa thấp khiến giá thành các sản phẩm dứa chế biến cao.

Cây khóm mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân huyện Tân Phước. Ảnh: THẾ ANH
Cây khóm mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân huyện Tân Phước. Ảnh: THẾ ANH

Nhận định chung về cây dứa cho thấy, đây là cây ăn trái được sản xuất và tiêu thụ phổ biến trên thế giới, ngành hàng dứa đã và đang trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn cho nhiều nước xuất khẩu, nhu cầu thị trường luôn có nhưng cạnh tranh giữa các nước ngày càng trở nên gay gắt giữa các nhà xuất khẩu. Ở Việt Nam, dứa là cây ăn trái được trồng khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tùy theo mức độ về quy mô và tính chất hàng hóa do tính thích nghi rộng của loại cây ăn quả này.

Quyết định 4085, ngày 27-10-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 đối với cây dứa là phát triển khoảng 55 - 60 ngàn ha, sản lượng 800 - 950 ngàn tấn; các tỉnh sản xuất dứa trọng điểm gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tiền Giang, Kiên Giang.

Phát triển cây dứa ở ĐBSCL là hướng đi nhằm khai thác lợi thế các vùng đất phèn phù hợp cho cây dứa Queen và các vùng đất phèn đã cải tạo cho cây dứa Cayene. Sản xuất dứa ở ĐBSCL nên theo hướng chọn giống có kích thước trái lớn vừa phải, phù hợp cho chế biến và tiêu thụ tươi; những trái dứa có hình trụ sẽ tăng được hiệu suất chế biến và giảm giá thành thương phẩm khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Với điều kiện khí hậu nhiệt đới và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp, cây dứa ở ĐBSCL có khả năng cho trái rải vụ quanh năm, đây là hướng đi quan trọng các địa phương trồng dứa ở ĐBSCL cần quan tâm để phân bố sản lượng cung ứng cho thị trường dứa tươi cũng như cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Cần xây dựng hệ thống vườn giống gốc sạch bệnh phục vụ nhân giống, ứng dụng kỹ thuật sản xuất dứa giống, kỹ thuật thâm canh cây dứa trong điều kiện biến đổi khí hậu như tưới nước tiết kiệm, che phủ đất, tủ gốc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật xử lý ra hoa, thu hái và bảo quản trái.

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN

.
.
.