.

Du lịch Tân Phước: Một hành trình nhiều điểm đến hấp dẫn và thú vị

Cập nhật: 10:21, 27/09/2024 (GMT+7)

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, diện tích trồng khóm lớn, nhiều di tích lịch sử, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác… thu hút nhiều du khách đến chiêm bái, trải nghiệm, khám phá.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM DU LỊCH

Tân Phước là huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, cách TP. Mỹ Tho khoảng 25 km, có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thủy (tiếp giáp với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có 5 tuyến tỉnh lộ, hệ thống kinh rạch chằng chịt...), cũng như nhiều tuyến đường kết nối các trục giao thông liên kết với TP. Hồ Chí Minh, đây là điều kiện thuận lợi để kết nối các tuyến du lịch.

Đồng thời, huyện Tân Phước có hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười đã mang lại cho huyện nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích hiện tại 107 ha, là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười ngày trước.

Đến với điểm du lịch này, du khách có thể trải nghiệm đi xuồng ba lá xuyên qua các cánh rừng ngập phèn, trên các dòng kinh xuyên qua khu bảo tồn. Ở đây, du khách có thể quan sát, tìm hiểu đặc tính sinh sống của trên 12.000 con chim, cò trú ngụ, sinh sản như: Cò trắng, cò ngàn, le le, vịt trời, diệc xám, điên điển, trích, quốc...

Ngoài đi xuồng, du khách còn có thể trải nghiệm đi xe điện, đi xe đạp dọc theo các hàng cây xanh mát của khu bảo tồn. Trong các dịp lễ, khu bảo tồn còn có thêm các trải nghiệm làm bánh dân gian miễn phí và phục vụ nhiều món ăn đặc sản của vùng đất Tân Phước.

Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.                                                                                        Ảnh: Lập Đức
Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lập Đức

Cùng với đó, diện tích đất trồng khóm lớn với hơn 15.000 ha cũng tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là “rốn lũ, rốn phèn”. Tân Phước còn có các làng nghề gắn liền với các cây trồng tại địa phương như: Làng nghề Bàng buông ở xã Tân Hòa Thành, các cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm. Với lòng mến khách, người dân Tân Phước luôn niềm nở mời du khách dùng thử những quả khóm tươi ngon, ngọt đặc trưng của vùng đất phèn. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm làm kẹo khóm, mứt khóm hay tự tay đan cho mình những chiếc giỏ, nón làm từ bàng buông, một loài cây đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Ngoài ra, nếu du khách muốn có không gian thư giãn, gần gũi với thiên nhiên thì có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, cắm trại ở các điểm du lịch sinh thái do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại xã Thạnh Mỹ như: Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, Khu du lịch TinTin, gồm các loại hình du lịch nghỉ dưỡng gia đình, tham quan vườn cây ăn trái kết hợp với câu cá, bơi xuồng ba lá, ẩm thực; đặc biệt, du khách còn có thể tham gia cắm trại với nhiều hoạt động về đêm tại đây.

Theo UBND huyện Tân Phước, huyện sẽ tiếp tục thu hút đầu tư với định hướng phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, du lịch phát triển với định hướng du lịch cộng đồng, vừa khai thác, vừa bảo tồn Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và du lịch tâm linh. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện cũng sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông đảm bảo cho các đoàn tham quan có thể tiếp cận với các điểm tham quan, du lịch; đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch Tân Phước.

Ngoài các điểm du lịch sinh thái tự nhiên, du khách khi đến với Tân Phước còn có thể trải nghiệm du lịch tâm linh. Trên địa bàn huyện Tân Phước có chùa Linh Phước mà người dân địa phương gọi là chùa Phật Đá, tọa lạc tại thị trấn Mỹ Phước. Chùa có niên đại khá sớm vào cuối thế kỷ XVIII, trải qua nhiều thăng trầm với nhiều lần dời đổi.

Tương truyền vào năm 1772, một người dân khi đó cho trâu lội qua Bàu Sọ bỗng gặp một tượng đá dài là bức tượng Phật bằng đá có 4 tay, cao khoảng 1,4 m. Dân làng rất vui mừng rước tượng về lập chùa, gọi là chùa Phật Đá. Năm 1978, pho tượng Phật Đá bị đánh cắp. Đến năm 1979, chùa Linh Phước được xây dựng lại và tượng Phật Đá cũng được phục chế lại.

Cùng với chùa Linh Phước, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại xã Thạnh Tân là lựa chọn của khách du lịch đến với Tân Phước, nhất là vào các dịp đầu năm và Lễ Vu lan. Thiền viện có diện tích 30 ha, vị trí rất gần Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười nên rất thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan. Với quy mô và lối kiến trúc xây dựng độc đáo, thiền viện là một điểm nhấn độc đáo, kết hợp khai thác các tiềm năng du lịch khác trên địa bàn huyện Tân Phước nên ngày càng thu hút khách du lịch.

Bên cạnh các lợi thế về tự nhiên, Tân Phước còn có 9 di tích có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm: Bến đò Phú Mỹ, đình Phú Mỹ, đình Dương Hòa, Miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng… gắn liền với quá trình lịch sử hình thành và khai phá vùng đất Đồng Tháp Mười, rất phù hợp với khách du lịch yêu thích tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này. Ngoài ra, nhờ huyện có hệ thống giao thông thuận tiện nên du khách có thể đến với Tân Phước bằng nhiều phương tiện để trải nghiệm hành trình với nhiều điểm đến hấp dẫn và thú vị.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Theo các chuyên gia về du lịch, Tân Phước cần xác định đúng nền tảng trong phát triển du lịch. Tân Phước có cảnh quan sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp trên vùng nước phèn đặc trưng và có tính khác biệt hơn so với khu vực nước ngọt hay nước mặn. Cùng với đó, Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười đa văn hóa và có vị trí riêng. Từ đó, huyện Tân Phước là khu vực có đa dạng sinh học với nhiều động vật quý hiếm và gìn giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Tân Phước mang trong mình “bảo tàng thu nhỏ” của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, do đó cần phải phát triển du lịch theo hướng đặc trưng hơn nhưng vẫn đảm bảo tính kết nối với vùng phía Tây và phía Đông của tỉnh Tiền Giang và là nơi kết nối cả vùng Đồng Tháp Mười.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, quy hoạch về du lịch ở huyện Tân Phước cần phát triển thêm về du lịch sinh thái nhân văn bên cạnh sinh thái tự nhiên, gắn liền với sinh thái văn hóa và tâm linh Phật giáo. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng cũng sẽ là thế mạnh của huyện Tân Phước với người nông dân là chủ thể.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, huyện Tân Phước cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư cơ sở lưu trú. Đây sẽ là lợi thế để huyện Tân Phước có thể thu hút khách du lịch để khắc phục thực tế là du khách đến với Tân Phước chủ yếu là tour trong ngày, do ít điểm đến và không có dịch vụ lưu trú qua đêm cho các đoàn khách lớn.

Bên cạnh đó, Tân Phước cũng cần có cách để quảng bá hình ảnh du lịch của huyện, trước hết là đối với du khách trong tỉnh, sau đó mở rộng ra ngoài tỉnh. Cũng theo các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch Tân Phước ngày được nhiều người biết đến, các ngành chức năng cần có giải pháp để “chuyển dịch” du khách từ các vùng trong tỉnh đến với huyện như tổ chức các đoàn cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, những du khách trong tỉnh sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả đến bạn bè ngoài tỉnh biết đến hình ảnh du lịch của huyện.

Thời gian qua, huyện Tân Phước đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng du lịch với các Hội nghị phát triển du lịch tổ chức vào các năm 2021, 2023. Cùng với đó, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười cũng đã được ký kết hợp đồng khai thác du lịch với doanh nghiệp, đưa hoạt động tham quan của nơi đây chuyên nghiệp hơn.

Cùng với đó, huyện Tân Phước đã tổ chức cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện để xây dựng tour, tuyến du lịch để du khách có thể trải nghiệm đầy đủ về đất và người Tân Phước.

CAO THẮNG

.
.
.