Thứ Tư, 25/09/2024, 09:05 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Đông: Hiệu quả từ công tác giúp hộ nghèo phát triển kinh tế

Những năm qua, công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vào cuộc với nhiều phong trào thi đua, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, huyện tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế.

ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế huyện nhà đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng hợp lý, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Thời gian qua, huyện Gò Công Đông đẩy mạnh các hoạt động giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.                                                                                              Ảnh: Quốc Toàn
Thời gian qua, huyện Gò Công Đông đẩy mạnh các hoạt động giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: Quốc Toàn

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, sự đồng thuận trong của nhân dân ngày càng cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn tập trung thực hiện quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu; huy động tối đa các nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực từ xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp như: Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà ở nông thôn, lựa chọn các mô hình kinh tế bền vững giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định; hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục và nhiều chính sách khác. Toàn huyện có 2.150 ha nuôi nghêu, sò, 618 ha nuôi tôm, trên 600 ha nuôi cá…với sản lượng 20.000 - 30.000 tấn nghêu/năm; tổng trữ lượng nuôi thủy sản các loại vượt hơn 55.000 tấn mỗi năm.

Huyện có 785 tàu đánh bắt hải sản, với sản lượng 28.000 - 30.000 tấn hải sản mỗi năm. Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp xoay quanh hoạt động chế biến thủy hải sản, nuôi trồng và đánh bắt. Hoạt động chế biến với 150 cơ sở tư nhân chuyên chế biến thủy hải sản….

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% ấp, khu phố trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với sự tham gia của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo sát sao đến các tổ chức chính trị - xã hội, nhận ủy thác đối với chất lượng tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để NHCSXH huyện hoạt động giao dịch tại xã.

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ dân đã có điều kiện về vốn để phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay Quỹ “Hỗ trợ học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp”, bà Phạm Thị Hạnh (khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) với nghề đánh bắt và chế biến hải sản, nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, được mùa mất giá khiến đời sống gia đình vẫn chưa được cải thiện, việc duy trì cho con đến với giảng đường đại học lại càng trở nên vô cùng khó khăn.

"Từ khi có Chỉ thị 40, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, hằng năm Huyện ủy đã thống nhất và chỉ đạo UBND huyện Gò Công Đông quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tổng nguồn ngân sách chuyển sang NHCSXH là 7.055 triệu đồng”.

CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG LÊ VĂN SƠN

 

Nhờ sự hướng dẫn của Hội Nông dân, Trưởng Khu phố và cùng Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu phố Chợ 2 hướng dẫn gia đình chị Hạnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi từ NHCSXH huyện Gò Công Đông cho vay để có tiền cho con gái chị thực hiện ước mơ trên con đường học vấn. Và cũng chính từ nguồn hỗ trợ vay vốn đó mà gia đình chị có đủ kinh phí để xây dựng lại ngôi nhà kiên cố.

Hiện nay, toàn huyện đang quản lý và triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách xã hội, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 445.528 triệu đồng, với 11.351 khách hàng đang còn dư nợ, tăng 273.709 triệu đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng 159%. Với nguồn vốn trên đã góp phần trong việc thực hiện thành công nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra, giúp cho khoảng 200 - 300 hộ nghèo, họ cận nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững hằng năm.

Nhờ đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 314 hộ (tỷ lệ 0,81%), hộ cận nghèo là 870 hộ (tỷ lệ 2,25%) giảm so với năm 2014 là 2.416 hộ; thu hút lao động, tạo và duy trì việc làm cho 9.708 lao động, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương giúp cho người lao động mở ra nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút lao động, làm giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp tại địa phương và một số ngành nghề truyền thống được khôi phục.

SONG AN
 



 

.
.
.