Chủ Nhật, 01/09/2024, 15:20 (GMT+7)
.

Nông sản xuất khẩu "ngán ngại" khi hàng rào kỹ thuật ở châu Âu ngày một cao

Dự báo hồ tiêu, cà phê, hạt điều cùng nhiều nông sản chủ lực khác của Việt Nam đưa đến châu Âu sẽ thêm khó khăn khi khu vực này tăng cường các biện pháp giám sát an toàn thực phẩm. Lượng cảnh báo về an toàn thực phẩm từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng về khả năng thích nghi.

Một khâu chế biến hạt điều. Ảnh minh họa: Vinacas
Một khâu chế biến hạt điều. Ảnh minh họa: Vinacas

“Hàng rào” kỹ thuật các nước… dựng cao hơn

Nhận thông tin thị trường các nước EU tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát an toàn thực phẩm với sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó có hạt điều, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, tỏ ra nhiều trăn trở.

Bởi lẽ thị trường EU vốn dĩ yêu cầu rất khắt khe về an toàn thực phẩm và nếu “hàng rào” kỹ thuật dựng cao hơn nữa thì xuất khẩu vào EU tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Ông dẫn chứng, để sản phẩm điều sau chế biến đạt tiêu chuẩn vào thị trường này, các doanh nghiệp chỉ sử dụng nước và dầu dừa để vệ sinh máy móc, thiết bị chế biến. Sự thay đổi này vừa tăng chi phí nhưng năng suất và hiệu quả mang rất thấp so với dùng những dung dịch có chất tẩy rửa cao trước đây.

Do đó, theo ông Sơn, người đồng thời là Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, việc EU tiếp tục nâng cao “hàng rào” kỹ thuật sẽ dẫn đến nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu ngành điều, nhất là việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành này đang thua lỗ.

Lo lắng của ông Sơn cũng như doanh nghiệp hạt điều cũng là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông sản khác. Bởi theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) rằng họ vừa nhận được thông báo từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc EU lấy ý kiến Thành viên WTO đối với các thông báo dự thảo biện pháp SPS (quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật).

Theo đó, tùy từng sản phẩm, EU đề xuất mức tăng, giảm mức dư lượng tối đa (MRL) của một số hoạt chất. Ngoài hạt điều, EU còn đề xuất thay đổi mức MRL của một số hoạt chất trong nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: bơ, chuối, xoài, đu đủ, sầu riêng, đậu bắp, trà, cà phê, hạt tiêu, gạo, mắc ca…

Cụ thể, đối với hoạt chất Zoxamide, EU đã đề xuất giảm mức MRL của Zoxamide trong rau diếp, xà lách, cải bó xôi từ 30ppm xuống còn 0,01ppm (tương đương 3.000 lần). Trà và cà phê cũng được EU đề xuất giảm MRL của Zoxamide từ 0,05ppm xuống 0,01ppm…

Ngoài hoạt chất Zoxamide, EU cũng đề xuất thay đổi MRL của 3 hoạt chất khác là Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid trên các sản phẩm như: lạc, mắc ca, bơ, chuối, xoài, ổi, sầu riêng, chuối, dưa, bí ngô, dưa hấu, súp lơ, cà chua và ớt… Những quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam), việc thay đổi MRL của 4 hoạt chất nói trên liên quan đến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu sang EU. SPS Việt Nam đề nghị các cơ quan nghiên cứu, góp ý và thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan được biết để kiểm soát MRL theo quy định của EU.

Đừng để một lô hàng làm vạ lây cả ngành

Thông báo trên là một trong những động thái mới nhất về nâng cao “hàng rào” kỹ thuật từ phía thị trường nhập khẩu sẽ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam.

a
Thu hoạch trái thanh long. Ảnh: Maap Trade

Thị trường khó khăn vì xung đột chính trị giữa các nước kéo dài, khó khăn kinh tế, lạm phát tăng cao… khiến nhiều quốc gia đưa thêm các quy định siết chặt nhập khẩu, dựng hàng rào phi thuế quan khắt khe.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới do thiếu thông tin hoặc “hàng rào” dựng lên của các nước quá khắt khe khiến họ gặp khó để thích ứng kịp thời trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Cũng cho rằng việc nâng cao yêu cầu an toàn thực phẩm từ thị trường châu Âu là thêm thách thức với doanh nghiệp, nhưng ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho rằng doanh nghiệp và người trồng thanh long sẽ có thể điều chỉnh để thích ứng.

Vấn đề ông Cảnh lo ngại là một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu thu mua trái thanh long không đạt quy chuẩn đặt ra của thị trường nhập khẩu, dẫn đến ảnh hưởng cả ngành.

Điều này, theo ông Cảnh, đã xảy ra với trái thanh long, khi phía nhập khẩu phát hiện có một vài lô hàng nhỏ trái thanh long không đạt quy chuẩn khiến EU đưa vào diện cảnh báo, làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành hàng trong nước.

Liên quan đến các cảnh báo về sản phẩm nông sản và thực phẩm từ thị trường EU, các chuyên gia, cũng cho biết phía EU xét lô hàng hóa nhập khẩu không phân biệt khối lượng lớn, nhỏ nên một lô hàng vài chục kg vi phạm cũng ảnh hưởng như lô hàng cả container.

“Những lô vi phạm rất ít so với tổng khối lượng xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam nhưng tác động không nhỏ. Chỉ cần không kiểm soát một lô hàng nhỏ cũng ảnh hưởng đến cả toàn ngành”, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nói. Ông cho hay, thời gian qua chỉ 7 lô hàng thanh long, tương đương 400- 1.800kg thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu thì sản phẩm này bị EU áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%.

Người đại diện SPS Việt Nam lưu ý, số lượng thông báo và cảnh báo của EU với Việt Nam tăng nhiều gần đây. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo từ EU, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, theo ông Nam, có nhiều trường hợp, Việt Nam nhận được cảnh báo rất đau lòng. Đơn cử một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU chỉ 38kg nhưng bị phát hiện vượt ngưỡng an toàn, khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu đến 50%.

Ngoài ra, đậu bắp của Việt Nam vào EU cũng bị áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới 50% có kèm theo chứng thư, sầu riêng 10%…

Những câu chuyện trên cho thấy nỗ lực của tập thể cả ngành hàng có thể sẽ “đổ sông đổ biển” chỉ vì một vài lô hàng không đạt chuẩn; thậm chí có nguy cơ bị cấm xuất khẩu, ảnh hưởng cả ngành hàng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, cách duy nhất để nông sản xuất khẩu bền vững là phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Nhà nông và doanh nghiệp phải liên kết với nhau thực hiện đúng yêu cầu của thị trường.

Theo ông Ngô Xuân Nam, muốn xuất khẩu bền vững, chỉ có con đường là tuân thủ các quy định của thị trường. Đáp ứng những quy định này cũng giúp việc sản xuất của doanh nghiệp bền vững hơn, nên doanh nghiệp cần chủ động thực hiện.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, bà Hoàng Thị Liên, cho biết các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua bị cảnh báo một số chỉ tiêu liên quan đến vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất…

Theo bà Liên, khi có thông tin cảnh báo, cơ quan nhà nước vào cuộc truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận trên tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn cách khắc phục thay vì cách nhìn nhận dành cho một doanh nghiệp có vi phạm.

Lãnh đạo SPS Việt Nam đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
Máy giá đỗ Công nghệ bền vững
.