Thứ Bảy, 21/09/2024, 15:27 (GMT+7)
.

Quyết tâm thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, khai mạc tháng 10 tới.

a
Tàu cao tốc từ lâu đã đóng vai trò là huyết mạch của ngành logistics và vận tải ở nhiều quốc gia phát triển. (Hình: Pexels)

Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Ban Chấp hành Truong ương cũng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam, Trung ương giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Tại Hội nghị, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết với các lý do được đưa ra.

Một là, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hoá các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Hai là, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistic.

Bốn là, tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Năm là, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sau khi thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc 350km/h, Trung ương giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp 8, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 tới.

Nhắc lại để nhớ, đầu năm 2023, khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ngay sau đó, dự án đã được rốt ráo nghiên cứu, chuẩn bị, đến nay đã cơ bản thành hình hài với việc lựa chọn tốc độ tối đa 350km/giờ, chiều dài 1.541km, khổ rộng 1.435mmm, phấn đấu hoàn thành năm 2035.

Tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam hồi tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trên cơ sở chính trị và pháp lý. Đó là kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; nghị quyết số 103 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, triển khai hiệu quả kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tập trung xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền. Theo đó, mục tiêu và yêu cầu đặt ra là cần phải hoàn thành chiều dài đường sắt tốc độ cao khoảng 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện khoảng 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án có quy mô lớn, nên khi triển khai chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phát sinh. Song, với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, tin rằng dự án hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, đến năm 2035 giấc mơ của “ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn” của người Việt Nam nói chung và các du khách quốc tế nói riêng có thể được hiện thực hóa.
   

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h.

    Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.


Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.