Sẽ có gần 1.000 tỷ đồng chi trả tiền tín chỉ carbon lúa cho nông dân ở ĐBSCL
Liên quan đến chi trả tiền thí điểm tín chỉ carbon lúa ở ĐBSCL theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD và có thể tăng lên đến 40 triệu USD.
Chiều 23-9, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp thống nhất cách thức chuẩn bị triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) hỗ trợ Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Tại cuộc họp, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngày 12-9, Ban quản lý Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) đã gửi thư quyết định xác nhận đề xuất (PIN) của Việt Nam để hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa.
Để chuẩn bị các bước triển khai hợp tác tiếp theo, Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất tổ chức một đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan của Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan từ ngày 23-9 đến 2-10.
Ở ĐBSCL đã thu hoạch xong vụ lúa giảm phát thải thí điểm đầu tiên. Ảnh minh họa: Diễm Lệ |
Ngoài ra, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD, số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương khoảng 826-992 tỷ đồng), được chi trả dựa trên kết quả và theo hai giai đoạn của đề án.
Cam kết tài trợ khoản kinh phí của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và cuối giai đoạn này, WB dự kiến phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ chi trả 15 triệu USD (có thể tăng lên đến 18 triệu USD). Thời gian đàm phán về ERPA với Quỹ TCAF dự kiến vào tháng 5-2025.
Giai đoạn 2, số tiền chi trả là 18,3 triệu USD, có thể tăng lên đến 22 triệu USD.
Bên cạnh đó, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do WB trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, hệ thống MRV và các đề nghị khác.
Chia sẻ về Đề án “Phát triển phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam báo tin vui, sau khi triển khai thí điểm 7 mô hình ở 5 tỉnh thành khu vực ĐBSCL, ngay mùa đầu tiên đã cho kết quả rất khả quan.
Cụ thể, ở các mô hình thí điểm chi phí vật tư giảm, giá lúa tăng và thu nhập của người nông dân tăng lên. Sản lượng lúa sản xuất theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp ở các mô hình đều được doanh nghiệp đăng ký thu mua với giá cao hơn giá lúa ngoài thị trường.
Tại các mô hình cũng đo được hệ số giảm phát thải ban đầu. Thứ trưởng Nam cho hay, các mô hình thí điểm trên diện tích khoảng 300ha ở các vùng khác nhau, nay đã thu hoạch xong và tiếp tục sản xuất vụ Đông Xuân. Đến vụ Hè Thu của năm sau, Bộ NN-PTNT có thể ban hành hệ số giảm phát thải trên cây lúa.
Nông dân trồng lúa sắp được chi trả tiền tín chỉ carbon. Ảnh: Tâm An |
“Mừng nhất là về nhận thức của người nông dân. Bà con rất tin tưởng vào đề án, ai cũng phấn khởi khi làm thành công lúa giảm phát thải. Đến giờ có thể khẳng định quy trình canh tác quá tốt, rất nhiều nông dân đăng ký tham gia”, ông chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, mục đích của đề án này là nâng cao giá trị bền vững của hạt gạo Việt Nam, giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo môi trường theo cam kết.
Thời điểm này, Bộ NN-PTNT chưa đặt vấn đề bán tín chỉ carbon lúa. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chi trả tín chỉ carbon của Quỹ TCAF rất có ý nghĩa với người nông dân ở giai đoạn sản xuất thí điểm. Do đó, ông cũng mong muốn Quỹ TCAF có thể hỗ trợ chi trả 20 triệu USD ở giai đoạn 1. Bởi, đây là động lực khích lệ nông dân tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Đại diện nhóm WB cho biết sẽ trả lời các vấn đề Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập vào buổi làm việc tới.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chương trình thực hiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Trên cơ sở hợp tác, WB hi vọng sẽ triển khai thành công đề án, góp phần giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.
Trong tuần này, chuyên gia của Quỹ TCAF sẽ có các chuyến đi thực địa ở vùng sản xuất thí điểm để xem xét việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, trao đổi thống nhất phương pháp đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa để hình thành tín chỉ giảm phát thải carbon chuyển nhượng/trao đổi với Quỹ TCAF và sử dụng cho cam kết Quốc gia NDC...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, 12 tỉnh ĐBSCL đã có kế hoạch sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa. Diện tích sản xuất đạt tín chỉ carbon sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Bởi, từ các mô hình thí điểm với quy trình sản xuất chuẩn, đạt kết quả tốt sẽ mở rộng ra các tỉnh. Đến 2025, diện tích lúa giảm phát thải sẽ tăng lên 200.000 ha.
Ông mong muốn chuyên gia của TCAF sẽ làm việc thêm với cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT để thống nhất các vấn đề liên quan tới đề án.
“Chúng tôi muốn sớm được chi trả thí điểm tiền tín chỉ carbon để nông dân có khí thế mở rộng sản xuất”, ông nói. Còn về việc bán tín chỉ carbon lúa, Thứ trưởng Nam khẳng định, khi được phép Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất với Chính phủ bán cho Quỹ TCAF đầu tiên vì là đơn vị đồng hành cùng đề án này.
Theo vietnamnet.vn