Thứ Hai, 16/09/2024, 20:00 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Trợ lực cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Để giúp các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, Tiền Giang đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ.

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên địa bàn tỉnh có 275 HTX; trong đó, có 196 HTX nông nghiệp với 46.485 thành viên và 2 chi nhánh HTX. Các HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: Trồng trọt (71 HTX, chiếm 36%); nông nghiệp tổng hợp (109 HTX, chiếm 55,3%); cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (4 HTX, chiếm 2,1%); chăn nuôi gia súc, gia cầm (9 HTX, chiếm 4,6%); khai thác thủy sản (3 HTX, chiếm 1,5%); nuôi trồng thủy sản (1 HTX, chiếm 0,5%). Ước doanh thu năm 2024 của các HTX nông nghiệp đạt khoảng 440 tỷ đồng, bình quân 2,2 tỷ đồng/HTX. Lợi nhuận đạt khoảng 12,5 tỷ đồng, bình quân 64 triệu đồng/HTX, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền Giang đang tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ HTX.
Tiền Giang đang tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ HTX.

Theo xếp loại, đánh giá hiệu quả hoạt động, có 182/197 HTX nông nghiệp được phân loại. Trong đó, 11 HTX xếp loại tốt, chiếm 6,1%; 114 HTX xếp loại khá, chiếm 62,6%; 26 HTX xếp loại trung bình, chiếm 14,3%; 12 HTX xếp loại yếu, chiếm 6,6%; 19 HTX ngưng hoạt động, chiếm 10,4% và 15 HTX còn lại không đánh giá xếp loại do mới thành lập.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực vươn lên của HTX, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình HTX điển hình hoạt động hiệu quả. Cụ thể, trên lĩnh vực liên kết tiêu thụ lúa có mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè; quy mô liên kết 200 - 300 ha/năm với giống lúa ST24, Nàng hoa 9. Hay mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Nhì với Công TNHH HK Green, Công ty TNHH Vinh Hiển để sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo VD20 Gò Công với quy mô 300 - 500 ha/năm; mô hình liên kết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa liên kết với Công ty Quy Nguyên, Công ty Hoàng Long, Công ty Mỹ Châu...; với các giống ST25, Nàng Hoa 9; quy mô 400 - 500 ha…

Theo đồng chí Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện các HTX nông nghiệp còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, về nội lực, năng lực quản lý, quản trị, vẫn còn nhiều HTX có quy mô hoạt động nhỏ, vốn ít, dịch vụ triển khai còn đơn điệu, mô hình tổ chức lỏng lẻo. Số lượng HTX tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân có xu hướng giảm. Không ít thành viên tham gia hoạt động HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ.

Một số HTX trông chờ vào cơ chế, chính sách hỗ trợ mà không phát huy nội lực phát triển. Trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, độ tuổi cao, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, nhưng thiếu năng động, thiếu nhạy bén trong hoạt động kinh doanh. Cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc nắm bắt và tiếp cận cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế do không đủ năng lực, chưa có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể hoặc ngán ngại xây dựng hồ sơ, thủ tục đề nghị.

Trong sản xuất và tiêu thụ trái cây, HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A liên kết tiêu thụ trái cây các loại (ổi, vú sữa, cam…) với Công ty TNHH Phương Ngọc Cái Bè và Công ty TNHH MM Mega Market, Công ty TNHH Thủy sản Thiên Hà... bình quân 1.250 tấn/năm.

Trên sầu riêng có các mô hình của HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp liên kết với Công ty cổ phần AMEII Việt Nam, Công ty Nam Châu Sơn, Công ty TNHH SX&CB Nông sản Phạm Gia... sản lượng khoảng 300 - 400 tấn/năm; HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức liên kết với Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm, Công ty TNHH Nông sản Minh Thiện... sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.

Trên cây thanh long, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát liên kết tiêu thụ Công ty cổ phần Smart Eco Farm, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang... sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm. Trên cây dừa, HTX Vĩnh Kim liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Safe Fruits Hà Nội, cung ứng khoảng 200.000 trái dừa/năm.

Trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, có một số HTX điển hình như HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Rau an toàn Tân Đông, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng… ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài ổn định với Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, BigC, các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh và các nhà hàng, bếp ăn tập thể; sản lượng khoảng 5 - 7 tấn rau/ngày/HTX.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, so với năm 2020, số lượng HTX nông nghiệp xếp loại khá tăng nhiều (từ 24% tăng lên 62,6%), số lượng HTX xếp loại trung bình giảm. Tuy nhiên, số lượng HTX yếu và ngưng hoạt động vẫn còn cao. Hiện nay, nhiều HTX hoạt động đa dạng ngành nghề, dịch vụ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra để hỗ trợ thành viên phát triển. Đồng thời, đi sâu vào ứng dụng tiến bộ công nghệ cao, mã vùng trồng, xây dựng các sản phẩm OCOP, nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến thương mại.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ

Theo đồng chí Võ Văn Lập, để các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các đặc trưng, bản chất vai trò của HTX kiểu mới trong bối cảnh hiện nay. Điều này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp.

Nhiều HTX sản xuất rau an toàn liên kết với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Nhiều HTX sản xuất rau an toàn liên kết với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 1804 ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ (cụ thể hóa tại Quyết định 2848 ngày 11-10-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang). Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản, đảm bảo hạ tầng logistic đồng bộ trong vùng sản xuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở HTX; đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho HTX.

Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định 167 ngày 3-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới (5 HTX được phê duyệt tại Quyết định 3802 ngày 30-12-2021 của UBND tỉnh). Ngành Nông nghiệp sẽ định hướng xây dựng các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương để mở rộng quy mô sản xuất và thành viên HTX, khắc phục tình trạng HTX nhỏ lẻ, hoạt động hình thức.

Ngành Nông nghiệp sẽ phát triển các mô hình HTX liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, bản thân các HTX phải tự cố gắng nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HTX phải chủ động liên doanh, liên kết với các HTX hiệu quả, doanh nghiệp, thương nhân để tìm kiếm mở rộng thị trường. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản lý, điều hành để đáp ứng các yêu cầu hội nhập.

T. ĐẠT - T.T

.
.
.