.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU LÚA - GẠO: KHÓ Ở ĐÂU?

Bài 1: Những kết quả bước đầu

Cập nhật: 11:02, 18/09/2024 (GMT+7)

Để nâng cao uy tín, giá trị cho ngành hàng lúa - gạo, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cùng các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng thương hiệu lúa - gạo và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để thương hiệu lúa - gạo Tiền Giang ngày càng được nhiều thị trường biết đến cần có sự chung tay, đồng hành của các ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng của nông dân và DN.

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, DN và nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bắt tay sản xuất và xây dựng thương hiệu lúa - gạo địa phương. Đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Gò Công” được nhiều người biết đến.

DN VÀ NÔNG DÂN HƯỞNG ỨNG

Xác định việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa - gạo của DN và địa phương, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại HK (TP. Mỹ Tho) đã tích cực đồng hành cùng nông dân triển khai thực hiện. Theo đó, công ty chọn giống lúa VD 20 - đặc sản của vùng Gò Công để xây dựng thương hiệu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, DN đã liên kết với các hợp tác xã (HTX), nông dân xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Công ty TNHH Thương mại HK đã xây dựng được thương hiệu Gạo VD 20 Gò Công dựa trên việc khai thác thương hiệu Gạo Gò Công.
Công ty TNHH Thương mại HK đã xây dựng được thương hiệu Gạo VD 20 Gò Công dựa trên việc khai thác thương hiệu Gạo Gò Công.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, gạo VD 20 Gò Công là sản phẩm tâm huyết từ ngày đầu thành lập của DN. Đây là loại gạo đặc sản của Tiền Giang, được sản xuất tại vùng đất Gò Công.

Sản phẩm gạo VD 20 đã được chứng nhận OCOP 4 sao cách nay 3 năm và vừa được tái công nhận. Cũng theo ông Châu Minh Hải, thời gian qua, thương hiệu gạo VD 20 Gò Công đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Hiện công ty đang hướng đến xuất khẩu VD 20 Gò Công sang thị trường các nước. Diện tích vùng nguyên liệu để sản xuất gạo VD 20 Gò Công hiện có trên 500 ha. Với sản lượng này, DN đủ sức để xuất khẩu.

Do đó, DN đang phấn đấu để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao. “Hạn chế hiện nay của sản phẩm là chưa đạt tiêu chí xuất khẩu. Tới đây, DN sẽ đến một số nước để chào sản phẩm nhằm khắc phục tiêu chí xuất khẩu chưa đạt, để tiến tới được công nhận OCOP 5 sao” - ông Châu Minh Hải cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, từ khi được chứng nhận thương hiệu “Gạo Gò Công”, nhãn hiệu này đã bước đầu phát huy hiệu quả; người tiêu dùng biết đến ngày càng nhiều.

Các DN như Công ty TNHH Vinh Hiển, Công ty TNHH Thương mại HK cũng đã phát huy thương hiệu này trên thị trường lúa - gạo. Thương hiệu “Gạo Gò Công” bước đầu phát huy và đạt được mục tiêu đề ra.
 

Với Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây), thời gian qua, DN cũng đã tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo của đơn vị. Theo đó, công ty đã liên kết với các HTX, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trên cây lúa. Từ đó, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với diện tích trên 300 ha/vụ. Song song đó, DN còn tham gia xây dựng sản phẩm OCOP.

Đến nay, DN đã có 5 sản phẩm gạo được công nhận đạt chuẩn OCOP. Với việc thương hiệu “Gạo Gò Công” đã được chứng nhận, DN đã khai thác thương hiệu này để phát triển các sản phẩm gạo của DN. Theo đó, trong 4 giống lúa được chứng nhận thương hiệu “Gạo Gò Công”, DN chọn giống lúa OM 5451 để xây dựng thương hiệu “Gạo Đỗ Uyên” tại đơn vị.

Đây là một trong trong những loại gạo được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng. Ngoài ra, DN còn xây dựng được thương hiệu gạo Khổng Tước Nguyên từ 2 giống lúa chủ lực là Nàng Hoa 9 và Đài Thơm 8. “Từ khi khai thác thương hiệu “Gạo Gò Công”, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của DN không ngừng mở rộng.

Để đưa thương hiệu “Gạo Gò Công” nói chung và các thương hiệu gạo của đơn vị nói riêng ngày càng vươn xa, hiện DN đang thực tiện thủ tục xin giấy phép xuất khẩu. Khi có được giấy phép, DN sẽ xuất khẩu loại gạo ở phân khúc cao cấp” - Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển Huỳnh Văn Danh cho biết thêm.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang,  toàn tỉnh hiện có hơn 54.000 ha đất trồng lúa. Diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 130.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 800.000 tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng lúa có giảm trong những năm gần đây, nhưng năng suất và chất lượng lúa - gạo ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu Gạo Gò Công với 4 giống lúa.
Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu Gạo Gò Công với 4 giống lúa.

Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tập trung nâng cao giá trị sản xuất lúa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, cụ thể là sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao, áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi rút trên lúa; cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa...

Nông dân xã Tân Trung (TP. Gò Công) thu hoạch lúa hè thu năm 2024.
Nông dân xã Tân Trung (TP. Gò Công) thu hoạch lúa hè thu năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, kế hoạch đề án, dự án phát triển lúa - gạo cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Dự án Xây dựng “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm năm 2025”; Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến 2025”; Kế hoạch Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiền Giang cũng đang triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” nhằm góp phần gia tăng giá trị hạt gạo…

Nhìn chung, sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và lợi nhuận sản xuất lúa ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, năng suất lúa tăng từ 1,2 - 2,2 tạ/ha, kết hợp với giá bán lúa cao, lợi nhuận trong sản xuất tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với 5 năm trước.

Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa - gạo cũng được tỉnh quan tâm triển khai. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến các sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh.

Các nội dung trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu gạo của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức sử dụng và khai thác hiệu quả thương hiệu đã được xây dựng. Đồng thời, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ thành lập các tổ chức nông dân tập thể để đăng ký và quản lý thương hiệu gạo địa phương…

Việc xây dựng thương hiệu lúa - gạo trong thời gian qua luôn được ngành Nông nghiệp và các DN hưởng ứng, nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số giống lúa chất lượng, đặc sản địa phương như: VD 20, lúa cẩm Cai Lậy….

Đặc biệt, giống lúa VD 20 trồng trên vùng đất các huyện phía Đông của tỉnh hoàn toàn vượt trội so với canh tác ở các vùng trồng khác trên cả nước. Lúa cho năng suất cao, tạo ra hạt gạo thơm ngon, có vị đậm đà.

Do đó, tỉnh đã đẩy mạnh xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm “Gạo Gò Công” ở các huyện phía Đông và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận vào năm 2022 với 4 giống lúa: VD 20, Nàng Hoa 9, OM 4900, OM 5451.

Từ khi nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công” được xác lập, các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu trong quá trình kinh doanh bước đầu có nhiều thuận lợi, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Điều này góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Gò Công trên thị trường.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.