Thứ Ba, 08/10/2024, 16:46 (GMT+7)
.

134 doanh nghiệp Nhà nước lỗ hơn 115.000 tỷ đồng

Tính đến cuối 2023, 134 doanh nghiệp có vốn Nhà nước lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD), theo báo cáo của Chính phủ.

Thông tin nêu tại báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh năm 2023 của 671 doanh nghiệp nhà nước. Số này gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 198 đơn vị có trên 50% vốn Nhà nước.

Theo đó, 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng 115.270 tỷ đồng, tương đương 4,6 tỷ USD (tính theo tỷ giá quy đổi ngày 8-10) tới cuối năm ngoái. Riêng 72 doanh nghiệp lỗ phát sinh hơn 33.700 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó. Số này cao hơn mức ước tính của Bộ Công Thương trước đó (17.000 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do tập đoàn này phải huy động các nguồn phát giá cao, chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp.

Số các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải chưa phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong hai năm (2022-2023). Tại thời điểm 31-12-2023, vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 8.377 tỷ.

Tương tự, năm ngoái, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thoát lỗ sau 3 năm nhờ khoản lãi 77 tỷ đồng. Song, giai đoạn 2020-2022, họ ghi nhận lợi nhuận âm hàng trăm tỷ và cao nhất lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Đến cuối ngoái, tổng công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 2.080 tỷ đồng, cao gấp rưỡi vốn chủ sở hữu.

2023 cũng là năm rất khó khăn với ngành xi măng do sản lượng, giá bán giảm. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm này. Cùng với đó, 6 công ty con và 2 đơn vị liên doanh sản xuất xi măng cũng lỗ. Trước đó, năm 2022, hầu hết các công ty này đều có lãi (chỉ riêng Xi măng Hạ Long bị lỗ).

Dù vậy, tính chung 671 doanh nghiệp Nhà nước, nhóm này vẫn lãi gần 211.200 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con chiếm tới 90%, lãi trên 188.800 tỷ đồng. Song, hiệu quả kinh doanh tính qua tỷ lệ lãi trước thuế trên vốn chủ sở hữu hay tổng tài sản, đều giảm so với năm 2022.

Tính đến cuối 2023, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ. Năm ngoái, các doanh nghiệp này nộp ngân sách hơn 365.500 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá doanh nghiệp Nhà nước vẫn là đầu tàu, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Một số lĩnh vực họ có vai trò chủ chốt như an ninh năng lượng, lương thực, viễn thông, xăng dầu, tài chính. Các doanh nghiệp cũng tích cực tái cơ cấu, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Họ cũng có phương án xử lý các đơn vị trực thuộc, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, còn yếu ở những ngành quyết định đến nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế như công nghệ cao, cơ khí chính xác, linh kiện, máy móc và thiết bị, công nghệ nguồn. Đầu tư vào những ngành là động lực tăng trưởng mới như năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên.

"Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ", Chính phủ nhìn nhận. Chẳng hạn, đầu tư ra nước ngoài gặp khó, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.

Nguyên nhân tình trạng này, theo Chính phủ, sản xuất kinh doanh của khu vực Nhà nước chịu nhiều tác động bất lợi do yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng kinh tế - chính trị giữa các nước, đứt gãy nguồn cung, nguyên liệu đầu vào biến động. Ngoài ra, cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập, như vướng mắc về thể chế khiến việc thoái vốn, cổ phần hóa chậm, chưa tạo điều kiện họ phát huy sự chủ động.

Về giải pháp, Chính phủ cho biết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhà điều hành sẽ đẩy tiến độ, nâng hiệu quả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ. Cụ thể, Nhà nước duy trì sở hữu, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính. Các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành sẽ được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có phương án xử lý với các dự án thua lỗ, với mục tiêu giảm tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, doanh nghiệp sẽ được gắn với việc phê duyệt, tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức và giám sát thực hiện.

Theo vnexpress.net


 

.
.
.