Chủ Nhật, 27/10/2024, 16:46 (GMT+7)
.

Cân đối nguồn vật liệu thi công các công trình giao thông phía Nam

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc, cần khối lượng lớn cát, đất đắp để gia cố nền đường. Trước tình trạng nguồn cát sông ở các địa phương phía Nam không đủ cung ứng, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển và tính toán đến việc tìm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia.

Lu lèn, đắp nền đường tại dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh NGỌC BIÊN)
Lu lèn, đắp nền đường tại dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh NGỌC BIÊN)

Việc cân đối nguồn cát thi công, gồm cả phương án điều phối giữa các dự án, đang được các địa phương trong khu vực thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường cao tốc trọng điểm.

Mở rộng thí điểm cát biển

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, chỉ riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án là khoảng 70 triệu m3; trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3, chủ yếu tập trung trong hai năm 2023 và 2024.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục khai thác vật liệu xây dựng thông thường để bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án, đồng thời nghiên cứu giải pháp đa dạng nguồn vật liệu sử dụng cho các dự án giao thông.

Về giải pháp cát biển, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp các bộ, ngành thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường, kết quả đã được báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, bộ có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường bộ cao tốc, chất lượng cát biển mới được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh).

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị và được Chính phủ cho phép tiếp tục mở rộng thí điểm cát biển trong thi công đường cao tốc. Ngành giao thông đang triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn Hậu Giang - Cà Mau, với lượng cát biển dự kiến sử dụng 2 triệu m3. Ngoài ra, một số địa phương ở phía bắc như Quảng Ninh, Hải Dương cũng đang thí điểm sử dụng cát biển làm đường giao thông, san nền,...

"Từ kết quả ban đầu này, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thí điểm cát biển làm nền đường; tập trung thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hóa học của cát biển tại một số khu vực khác như Hải Phòng, Vũng Tàu,… và tổ chức thi công thí điểm mở rộng tại một số dự án trong khu vực như dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

Để phòng chống sạt lở, sụt trượt do ảnh hưởng của việc khai thác cát sông, việc thí điểm mở rộng sử dụng cát biển là một trong các giải pháp thích ứng khá hữu hiệu với tác động biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Cân đối các nguồn cát

Về tình hình cung ứng nguồn vật liệu tại một số dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát thi công khoảng 29 triệu m3, được xác định lấy ở An Giang (hơn 9 triệu m3), Cần Thơ (hơn 7 triệu m3), Hậu Giang (6 triệu m3), Sóc Trăng (6,6 triệu m3).

Đến giữa tháng 10, các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3; trong đó, khoảng 10 triệu m3 đã đủ điều kiện khai thác, khối lượng còn lại đang được rốt ráo hoàn thiện thủ tục.

Khoảng 6 triệu m3 còn lại chưa xác định được nguồn, tại dự án thành phần 4 (qua tỉnh Sóc Trăng), địa phương dự kiến khai thác tại 7 mỏ cát trên địa bàn tỉnh, trữ lượng dự kiến 6,6 triệu m3.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chỉ có 2 trong số 7 mỏ (trữ lượng khoảng 760.000 m3 đáp ứng yêu cầu), phần còn thiếu (hơn 5,8 triệu m3) dự kiến sử dụng nguồn cát biển đang khai thác phục vụ thi công dự án Cần Thơ - Cà Mau.

"Mặc dù cơ bản xác định được nguồn cát, song công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu do phải điều chuyển để ưu tiên cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và khó khăn trong việc nâng công suất khai thác do phải bảo đảm môi trường", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Tại dự án đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, tổng nhu cầu cát cần khoảng 3,2 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung ứng và xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác, còn thiếu 0,4 triệu m3.

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tạm điều chuyển để phục vụ nhu cầu trước mắt của dự án và nhà thầu đã tiếp nhận khoảng 121.000 m3 cát. Với 2 dự án đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đá cần khoảng 2,2 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực với khả năng cung ứng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Đối với vật liệu cát đắp nền, tính đến giữa tháng 10, đã có gần 23 triệu m3 được cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác (An Giang 6,8 triệu m3; Đồng Tháp 7 triệu m3; Vĩnh Long 3,5 triệu m3; Sóc Trăng 5,5 triệu m3); khoảng 5,5 triệu m3 còn lại đang hoàn tất thủ tục khai thác (Tiền Giang 2 triệu m3, Bến Tre 2 triệu m3, Vĩnh Long 1,5 triệu m3).

Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 9,3 triệu m3 cát, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp rà soát, điều phối nguồn vật liệu để thực hiện. Về nguồn cát thương mại nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng.

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm. Hiệp hội đã đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối làm việc với phía Campuchia để thực hiện các thủ tục.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức khảo sát tại Campuchia và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng rất dồi dào, cung cấp đủ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho các tỉnh phía Nam; việc cung cấp cát không gặp khó khăn, vướng mắc gì về chủ trương, chính sách của Chính phủ hai nước và đây là nguồn cung lớn cho các dự án.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.