Thứ Sáu, 25/10/2024, 07:52 (GMT+7)
.
CUỘC VẬN ĐỘNG "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM''

Phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm chủ lực, OCOP trên thị trường, tỉnh Tiền Giang đang tập trung hỗ trợ các chủ thể khai thác và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) hiệu quả.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch về phát triển TSTT. Để triển khai hiệu quả các kế hoạch, Sở KH&CN đã tổ chức 7 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ (SHTT) với các nội dung như: Vai trò của SHTT trong sản xuất, kinh doanh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và quyền SHTT; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và vấn đề về SHTT; các đối tượng quyền SHTT, cách thức đăng ký…

Tiền Giang có 29 sản phẩm đặc sản được cấp các văn bằng bảo hộ.
Tiền Giang có 29 sản phẩm đặc sản được cấp các văn bằng bảo hộ.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn phối hợp với Cục SHTT - KH&CN khảo sát, đánh giá sơ bộ điều kiện, khả năng đáp ứng tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” tại thị trường Trung Quốc và một số vấn đề khoa học SHTT; đồng thời, khảo sát đánh giá nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài đối với 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngành KH&CN còn đề cử 2 sản phẩm của tỉnh Tiền Giang tham gia Dự án quảng bá tại Trung Quốc là chỉ dẫn địa lý “Xoài cát Hòa Lộc” và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công”. Kết quả, nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công” được chọn quảng bá tại Trung Quốc.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Trước hết là các sản phẩm OCOP chưa được hỗ trợ nhiều theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh.

Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ ít. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác SHTT ở huyện, thị, thành vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra của công tác quản lý và thực thi quyền SHTT do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực.

Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Đối với việc sử dụng nhãn hiệu cộng đồng, nhiều tổ chức, tập thể không khai thác hết được hiệu quả mà nhãn hiệu đem lại.

Nguyên nhân là không có các biện pháp quản lý việc sử dụng nhãn hiệu cộng đồng một cách phù hợp dẫn đến khả năng thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu không cao.

Một số sản phẩm sau khi có giấy chứng nhận nhãn hiệu một thời gian thì sản phẩm không còn; chủ sở hữu một số nhãn hiệu tập thể bị giải thể không còn hoạt động.

Sở KH&CN còn hướng dẫn 80 tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; gia hạn 24 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; sửa đổi 3 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí thực hiện 20 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân, với tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Thư, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành - Sở KH&CN, đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm đặc sản đã được cấp các văn bằng bảo hộ; trong đó, có 2 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thể, 7 nhãn hiệu chứng nhận.

Thời gian qua, các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng đã giúp quảng bá hình ảnh của địa phương, thu hút sự quan tâm của bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Một số sản phẩm như: Sầu riêng Cai Lậy, gạo Gò Công, mai chiếu thủy nu Gò Công... được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng nhãn hiệu cộng đồng trong quá trình tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP, giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

TẬP TRUNG HỖ TRỢ

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc khai thác TSTT trên địa bàn tỉnh chỉ nằm ở bước khởi đầu. Việc phát triển TSTT còn đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh Tiền Giang đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển TSTT, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, OCOP tỉnh nhà.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển TSTT.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển TSTT.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế - Cục SHTT, để triển khai hiệu quả việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực và sản phẩm gắn với chương trình OCOP, Tiền Giang cần đánh giá tiền khả thi để lựa chọn hình thức bảo hộ SHTT phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cần lựa chọn chủ thể quản lý phù hợp; củng cố, nâng cao năng lực cho chủ thể quản lý; quản lý, khai thác theo hướng phát triển bền vững.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ, để khai thác và phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP, Tiền Giang cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn danh tiếng sản phẩm.

Trong đó, tỉnh cần chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu theo đúng quy chế; thường xuyên sửa đổi, cập nhật quy chế. Các chủ thể cần đầu tư bao bì, tem nhãn và quản lý sử dụng tem nhãn đúng quy định.

Đặc biệt là cần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm, tăng cường liên kết dọc, ngang. Các chủ thể cần thực hiện kiểm soát chất lượng, kế hoạch phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo; chủ động tiếp cận thị trường, đa dạng thị trường, đối tượng tiêu thụ.

Một trong những giải pháp quan trọng là sáng tạo phương thức tiêu thụ, kết hợp quảng bá hình ảnh sản phẩm thông qua dịch vụ du lịch; xác định mô hình quản lý và khai thác thương hiệu phù hợp với tiềm lực tổ chức..

Đối với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian tới, để phát triển TSTT, trên cơ sở tổng hợp các sản phẩm OCOP chưa thực hiện đăng ký nhãn hiệu, Sở KH&CN sẽ xem xét khả năng đăng ký và tổ chức hướng dẫn cách thức đăng ký cho các cơ sở tham gia OCOP có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu. Ngành KH&CN sẽ hỗ trợ ưu tiên cho các cơ sở, tổ chức có sử dụng nhãn hiệu cộng đồng được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quảng bá… 

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đào tạo về SHTT cho cán bộ phụ trách ở cấp huyện; đồng thời, xây dựng nhiều hình thức tuyên truyền về SHTT. Sở KH&CN sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình quản lý, sử dụng các nhãn hiệu cộng đồng đạt hiệu quả tốt để tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Xây dựng nhãn hiệu phải gắn với tiềm năng phát triển của sản phẩm và lựa chọn chủ sở hữu quản lý phù hợp…

ANH THƯ - H. THÔNG - T.T

.
.
.