Thứ Hai, 14/10/2024, 11:10 (GMT+7)
.
ĐỂ CÂY SẦU RIÊNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:

Bài 1: Sức hấp dẫn của cây sầu riêng

Những năm gần đây, diện tích sầu riêng cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng tăng nhanh bởi giá trị kinh tế mà loại cây trồng này mang lại. Hiệu quả kinh tế đã rõ, nhưng việc phát triển ồ ạt, liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nhà chưa bền chặt, lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc… đang đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển bền vững cây sầu riêng.

Nhờ cây sầu riêng mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đổi đời, có nhiều gia đình trở thành tỷ phú. Chính hiệu quả cao về mặt kinh tế những năm gần đây, nông dân đã đổ xô chuyển sang trồng sầu riêng.

LÀM GIÀU VỚI SẦU RIÊNG

Nhiều hộ gia đình gắn bó với cây sầu riêng và trở nên khá giả hơn nhờ vào hiệu quả của loại cây này mang lại. Gia đình ông Dương Văn Đây (68 tuổi, ngụ ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) là một trong những minh chứng. Gia đình ông “bén duyên” với cây sầu riêng đến nay đã hơn 30 năm.

Giá sầu riêng tăng cao giúp nông dân thu lợi nhuận khá, dẫn đến việc nông dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Giá sầu riêng tăng cao giúp nông dân thu lợi nhuận khá, dẫn đến việc nông dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Theo ông Đây, vào khoảng năm 1950, gia đình ông chuyển đến vùng đất cù lao Ngũ Hiệp để sinh sống. Ban đầu, gia đình ông nhận 10 công ruộng để trồng lúa nhưng thất bát quanh năm.

Trải qua nhiều lần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhau như: Chuối, chôm chôm…; đến sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), gia đình ông Đây mới trồng những cây sầu riêng đầu tiên. Nhưng mãi đến những năm 1990, ông mới thật sự chú trọng đầu tư vào cây sầu riêng. Được gia đình chia cho 3 công đất (3.000 m2), sau nhiều năm gầy dựng và đi lên từ cây sầu riêng, đến nay ông Đây sở hữu 2,7 ha sầu riêng trên cù lao Ngũ Hiệp.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, nhìn những gốc sầu riêng trên 30 năm tuổi, ông Đây cho biết, đó là những cây đời đầu, được ông gìn giữ cho đến hôm nay. Cũng nhờ thu nhập từ những cây sầu riêng đời đầu này mà diện tích vườn của ông không ngừng được mở rộng. Hiện vườn sầu riêng của ông Đây được bao bọc bằng hệ thống đường bê tông để vận chuyển sầu riêng bằng xe rùa.

Ông còn dự định sẽ mua xe điện để chở sầu riêng từ vườn ra lộ lớn. Vụ vừa rồi, gia đình ông thu hoạch được 35 tấn sầu riêng, bán với giá trung bình 100.000 đồng/kg, thu về 3,5 tỷ đồng. Đây là thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông dân. Chỉ tay về phía căn nhà bề thế của mình, ông Đây nói: “Cũng nhờ cây sầu riêng mà tôi cất được căn nhà bạc tỷ này vào năm 2010”.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, sầu riêng được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”, đã trở thành một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam.

Sầu riêng không chỉ được tiêu thụ nội địa, mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn. Trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trong nước gia tăng mạnh mẽ.

Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc với nhu cầu cao về sản phẩm này. Các thị trường khác như: Mỹ, Australia và châu Âu cũng đang mở cửa.

Để xuất khẩu sầu riêng, các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng được đặt ra nghiêm ngặt. Việc chứng nhận chất lượng, kiểm dịch thực vật là rất quan trọng để đảm bảo sản phẩm được ưa chuộng ở nước ngoài.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện tiềm năng phát triển lớn của ngành hàng này.

Tiền Giang là một trong những tỉnh có truyền thống trồng sầu riêng tại miền Tây, với diện tích trồng sầu riêng ngày càng mở rộng. Nông dân địa phương đã áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện thị trường sầu riêng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh.

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt 9.325 tấn, với 35 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu, chiếm trên 80% về giá trị xuất khẩu.

Sức hấp dẫn mang lại từ cây sầu riêng là động lực lớn để nhiều vùng đất khác trên địa bàn tỉnh chuyển đổi cây trồng. Nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (34 tuổi, ngụ xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) lại có quyết định táo bạo là chuyển từ đất lúa sang trồng sầu riêng.

Chị Huyền cho biết, cách đây khoảng 5 năm, khi vừa trồng những cây sầu riêng đầu tiên xuống vùng đất này, ai cũng cho rằng gia đình chị làm chuyện không giống ai. Nhưng vụ thu hoạch đầu tiên vừa rồi, 53 gốc sầu riêng đã mang về cho chị hơn 600 triệu đồng, khẳng định việc chuyển đổi của chị là đúng. “Khi vừa trồng xong sầu riêng thì cũng bước vào mùa nước nổi.

Thấy nước có nguy cơ dâng cao, ảnh hưởng tới vườn sầu riêng nên tôi đã thuê thợ xây tường bao quanh vườn để chắn nước. Dù tốn khoảng 200 triệu đồng, nhưng tôi vẫn quyết định đeo bám cây sầu riêng với niềm tin là sẽ có lúc sầu riêng được giá. Còn về kỹ thuật trồng, tôi vừa học hỏi trên mạng, vừa học từ kinh nghiệm phía nhà chồng.

Thấy vườn sầu riêng ngày càng tươi tốt, xanh um nên những người dân xung quanh cũng dần dần chuyển đổi theo. Một số người không có kinh nghiệm trồng sầu riêng thì ban đầu họ lên liếp để trồng mít Thái, được một vài năm mới trồng xen sầu riêng. Người có kinh nghiệm trồng sầu riêng và sẵn vốn chuyển thẳng từ đất lúa lên trồng sầu riêng” - chị Huyền chia sẻ.

CÚ HÍCH TỪ XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH

Cú hích từ việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp tình hình tiêu thụ loại trái đặc sản này khởi sắc trong những năm gần đây. Điều này tạo nên động lực lớn dẫn đến tình trạng nông dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Trong đó, khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 các địa phương phía Tây của tỉnh Tiền Giang là vùng chuyển đổi sang sầu riêng mạnh nhất. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, năm 2018, toàn huyện chỉ có khoảng 1.400 ha sầu riêng, nhưng đến cuối năm 2023, diện tích đã hơn 9.500 ha. Thời gian qua, diện tích chuyển đổi sang trồng sầu riêng rất nhanh.

Ông Đây trở thành tỷ phú nhờ cây sầu riêng.
Ông Đây trở thành tỷ phú nhờ cây sầu riêng.

Diện tích sầu riêng của huyện Cái Bè phát triển trên địa bàn 14 xã; trong đó có cả nằm trong và ngoài quy hoạch. Về cơ bản, việc chuyển sang trồng sầu riêng đáp ứng được kế hoạch và điều kiện thổ nhưỡng. Diện tích tăng rất nhanh bởi giá trị kinh tế mang lại của cây sầu riêng cao hơn lúa khoảng 17 lần.

Bên cạnh khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, phong trào trồng sầu riêng cũng đã lan tới khu vực huyện Tân Phước. Hay tại huyện Chợ Gạo, cũng có nông dân đã trồng cây sầu riêng. Dù chi phí đầu tư cao hơn, nhưng nông dân vẫn “chịu chi” để hiện thực giấc mơ đổi đời. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh là 21.790 ha; trong đó, diện tích cho sản phẩm là 14.915 ha, sản lượng đạt hơn 386 ngàn tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và TX. Cai Lậy. Hiện nay, cơ cấu giống sầu riêng đang dần chuyển dịch từ Ri6 sang Monthong (DONA). Diện tích trồng sầu riêng Ri6 chiếm 49%, DONA chiếm 49%, còn lại là các giống khác.

Hiện toàn tỉnh có 155 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp mã với diện tích hơn 6.927 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 266 hồ sơ vùng trồng sầu riêng, trong đó có 111 hồ sơ chờ Trung Quốc phê duyệt với diện tích hơn 4.700 ha.

Thu hoạch sầu riêng tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy.
Thu hoạch sầu riêng tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy.

Sầu riêng Tiền Giang chủ yếu phân phối và tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi; trong đó, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc (hơn 70%), còn lại là tiêu thụ nội địa. Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11-7-2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn.

Từ cuối năm 2023 đến nay, thương lái thu mua sầu riêng với giá rất cao, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/kg; sau khi trừ chi phí, nhà vườn thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, hiện tất cả đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Đối với diện tích chưa được cấp mã số, nông dân bán cho các thương lái truyền thống và các vựa thu mua trái cây trên địa bàn. Hiện tất cả các vùng trồng sầu riêng đều có hợp đồng liên kết tiêu thụ với cơ sở đóng gói.

“Nghị định thư về điều kiện xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng liên kết tiêu thụ sầu riêng giữa các vùng trồng với cơ sở chế biến, cấp đông, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất. Đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổng hợp và gửi Cục Bảo vệ thực vật 21 cơ sở đủ điều kiện đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” - đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam thông tin thêm.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

(còn tiếp)

 

.
.
.