Thứ Tư, 16/10/2024, 11:05 (GMT+7)
.
ĐỂ CÂY SẦU RIÊNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Bài 2: Đối mặt nhiều rủi ro

Bài 1: Sức hấp dẫn của cây sầu riêng

Trước sức hút về mặt kinh tế, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng sầu riêng nên việc “giữa đường gãy gánh” do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn cũng là điều dễ hiểu.

KHÓ TỪ KHÂU SẢN XUẤT

Ghi nhận tại khu vực Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, phong trào “chạy đua” trồng sầu riêng ở khu vực này diễn ra rất sôi động. Dọc theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đâu đâu chúng tôi cũng thấy sầu riêng.

Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng chưa bền chặt dẫn đến tình trạng bẻ kèo trong thu mua.
Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng chưa bền chặt dẫn đến tình trạng bẻ kèo trong thu mua.

Nông dân chuyển đổi thẳng từ đất lúa sang trồng sầu riêng hoặc chuyển từ diện tích đất trồng mít Thái trước đó. Thực tế cho thấy, trồng sầu riêng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật, có vốn đầu tư ban đầu khá lớn do phải mất vài năm mới có thu hoạch.

Ghi nhận thực tế cũng dễ nhận thấy, có khá nhiều nông dân đã lỡ chuyển sang trồng sầu riêng hiện đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Thậm chí, một số người sau khi bỏ lúa lên mô trồng sầu riêng thì đã phải dừng giữa chừng, kêu sang bán đất.

Ông Nguyễn Văn Sang (42 tuổi, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, trước đây, gia đình ông có khoảng 6 công đất nằm ở phía Bắc Quốc lộ 1. Cách nay gần 3 năm, 6 công đất này được gia đình ông chuyển sang trồng hơn 100 cây sầu riêng.

Đến nay, nhà ông Sang đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng vào vườn sầu riêng. Gần 3 năm qua, ông chưa thu lại được đồng nào nên tâm trạng lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”. Tuy nhiên, đôi lúc ông vẫn nhẩm tính về lợi nhuận của cây sầu riêng mang lại rồi lạc quan.

Trong hội thảo khoa học được tổ chức tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang gần đây, GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vùng đất trũng phèn như huyện Tân Phước chỉ phù hợp với các loại cây trồng như khóm.

Nếu trồng sầu riêng sẽ tốn rất nhiều chi phí cải tạo đất, từ đó không có lợi nhuận. Những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt ở một số tỉnh miền Tây nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nếu không có đê bao thì việc trồng sầu riêng cũng không phù hợp.

Trên thực tế, những cảnh báo của các nhà khoa học hoàn toàn chính xác, việc ồ ạt trồng sầu riêng ở những nơi không phù hợp thổ nhưỡng sẽ làm tăng chi phí, mà còn có nguy cơ khó chăm sóc, phát sinh sâu bệnh.

“Trước đây, tôi trồng lúa giỏi lắm thu nhập cũng chỉ được khoảng 30 triệu đồng/năm. Thấy cùng diện tích nhưng người ta kiếm bạc tỷ nên tôi cũng ham, bỏ vốn vào để trồng sầu riêng. Bây giờ sầu riêng cũng được gần 3 năm tuổi rồi, vốn liếng tích góp mấy năm trời đều đổ vô hết đây. Giờ ráng thêm 3 năm nữa mới có thu hoạch, nhưng không biết tới đó sầu riêng còn có giá như bây giờ không” - ông Sang băn khoăn.

Trên thực tế, hình thức cho thuê gốc sầu riêng hoặc cho thuê vườn sầu riêng mới rộ lên trong khoảng vài năm trở lại đây. Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều nông dân lỡ theo đuổi giấc mơ làm giàu từ cây sầu riêng, nhưng bị “giữa đường gãy gánh”.

Ông Nguyễn Đình Linh (huyện Cai Lậy) cho biết, vừa qua, gia đình ông dốc toàn bộ vốn liếng vào mảnh vườn để trồng sầu riêng. Giàu đâu chưa thấy, mà trước mắt ông đã thấy cuộc sống khó khăn. Do đó, ông quyết định cho thuê lại vườn, kiếm ít vốn để làm ăn. Vườn sầu riêng của ông có 55 cây đang chuẩn bị cho trái. Trước đây, ông kêu cho thuê 12 năm với giá 1,1 tỷ đồng.

Song đã nửa năm trôi qua, có một vài người lại xem vườn rồi lặng lẽ đi nên ông hạ giá xuống còn 950 triệu đồng, đưa trước cho ông 500 triệu đồng, sau 3 năm mới trả tiếp số tiền còn lại. “Nếu khéo làm, có thể 2 năm là đủ tiền thuê rồi, song cũng không thấy ai thuê” - ông Linh cho biết thêm.

Ở những vùng đất mới như huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, phong trào trồng sầu riêng cũng bắt đầu nhen nhóm trong mấy năm trở lại đây. Hơn 2 năm trước, bà Nguyễn Thị Châu Em (huyện Tân Phước) đã dốc hết tiền tích góp vào miếng ruộng hơn 5 công để lên mô trồng sầu riêng với mong muốn đổi đời. Đổi đời chưa thấy, nhưng sau hơn 2 năm cầm cự, vợ chồng bà đã đi đến quyết định bán đất trả nợ.

“Có mấy người vào định mua nhưng họ chê sầu riêng không tốt, nếu mua về cũng phải làm lại toàn bộ nên ép giá. Tôi cũng kẹt tiền lắm mới bán chứ nếu có vốn thì cũng ráng đeo theo. Bởi giá sầu riêng đang cao nhất trong các loại nông sản” - bà Em chia sẻ.

ĐẾN TIÊU CỰC

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiêu thụ sầu riêng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), hiện nay, mối liên kết trong sản xuất - thu mua - chế biến sầu riêng còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự tin cậy giữa các bên. Khi giá cả tăng cao, một bộ phận người dân tìm cách tăng sản lượng, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Chưa kể, tình trạng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn.

Thực tế cũng đã ghi nhận, hiện vẫn còn tình trạng nông dân lẫn thương lái thu hoạch sầu riêng chưa đạt độ già, nhất là trong giai đoạn giá bán tốt. Một số hộ trong vùng trồng sau khi ký kết với HTX, nhưng đến khi thu hoạch đã tự chốt giá và bán cho doanh nghiệp khác, gây khó khăn cho HTX phải đảm bảo sản lượng trong hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, đâu đó vẫn còn xảy ra.

Thị trường xuất khẩu chính hiện nay vẫn là Trung Quốc, dễ dẫn tới rủi ro mất cân bằng về cung cầu trong thời gian tới.
Thị trường xuất khẩu chính hiện nay vẫn là Trung Quốc, dễ dẫn tới rủi ro mất cân bằng về cung cầu trong thời gian tới.

Với góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Như Thủy Tiên (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, chất lượng sản phẩm không đồng đều là khó khăn trong tiêu thụ sầu riêng hiện nay. Điều này khiến các thương lái và nhà xuất khẩu gặp khó trong việc phân loại, đánh tỷ lệ hàng, đóng gói cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.

Các thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa qua, thực trạng nhiều lô sầu riêng của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này đã bị trả về, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo bà Nguyễn Như Thủy Tiên, hiện sầu riêng Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Những thay đổi về nhu cầu hoặc chính sách nhập khẩu của các nước đối tác này chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi không thể kiểm soát cho giá cả sầu riêng. Điều này sẽ gây khó khăn cho nông dân và thương lái trong việc định giá và thu mua hàng hóa.

“Một vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng sầu riêng là giá cả phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái và một số trung gian, hay còn gọi là cò. Thông thường, nông dân ít có khả năng trực tiếp giao thương với các nhà xuất khẩu. Do đó, giá cả thường bị ép xuống, hoặc là bị đẩy lên cao. Song điều đáng nói ở đây là giá đẩy lên lại là ảo chứ không phải là thật. Khi qua tay các khâu trung gian, điều này cũng gây bất lợi cho người sản xuất, từ đó mới xảy ra tình trạng ký thu mua giá cao, khi cắt thì nông dân lại bị ép cắt với mức giá khác đi” - bà Nguyễn Như Thủy Tiên nhận định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngành hàng sầu riêng hiện còn phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, như hạn, mặn. Việc khai thác quá mức, đặc biệt xử lý ra hoa khi cây chưa đủ thời gian phục hồi sau thu hoạch làm cho cây sầu riêng suy yếu nhanh chóng.

Chưa kể, việc lạm dụng hóa chất của nông dân cũng là tác nhân chính làm cho cây sầu riêng suy kiệt nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc thiếu sự đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cơm sầu riêng dẫn đến không tạo ra sự cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cho loại cây trồng này. Mặt khác, năng lực quản lý của các HTX chưa đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay; liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra giữa HTX và doanh nghiệp chưa bền chặt, trong khi thị trường xuất khẩu cũng chưa ổn định, lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, hiện nhiều nông dân chưa áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao trong sản xuất sầu riêng, dẫn đến sản phẩm không đồng nhất. Điều này ảnh hưởng đến uy tín và giá trị của sầu riêng trên thị trường.

Nông dân thường thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng và các tiêu chuẩn xuất khẩu, dẫn đến việc sản xuất không đáp ứng đúng nhu cầu. Với lợi nhuận mang lại rất cao, nên diện tích sầu riêng của tỉnh đang có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính hiện nay vẫn là Trung Quốc, dễ dẫn tới rủi ro mất cân bằng về cung cầu trong thời gian tới. Việc kết nối giữa nông dân, thương lái và người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng tiêu thụ không ổn định và giá cả biến động. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các loại trái cây khác và từ các quốc gia khác như: Thái Lan, Malaysia cũng ảnh hưởng đến thị phần sầu riêng Việt Nam.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.