Thứ Tư, 02/10/2024, 10:37 (GMT+7)
.
KHAI THÁC LỢI THẾ ĐỂ THU HÚT NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN

Bài 1: "Trái ngọt" từ thu hút đầu tư

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp để thu hút các nguồn lực, tạo đà phát triển bền vững, nhất là thu hút được nhiều dự án đầu tư. Hiện tỉnh đang tập trung hình thành các vùng công nghiệp động lực, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Xác định thu hút đầu tư là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả. Qua đó, nhiều dự án đầu tư đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Tiền Giang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Với sự hỗ trợ tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đến nay, nhiều dự án đã mang lại “trái ngọt”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Tiền Giang là điểm đến để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Tiền Giang là điểm đến để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Tiền Giang là điểm đến để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Một dự án lớn mà tỉnh thu hút đầu tư và hiện đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu ứng tích cực là Nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Long Giang, huyện Tân Phước, trực thuộc Công ty cổ phần Lốp xe Quý Châu (Trung Quốc), với diện tích nhà máy được xây dựng hơn 296.000 m2, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD.

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) này giải quyết việc làm cho khoảng 1.100 lao động. Giai đoạn 2 của dự án cũng đã hoàn thành và đạt sản lượng sản xuất tối đa.

Ông Fu Hong Jiang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam cho biết, kể từ khi thành lập nhà máy đến nay, công ty đã được sự giúp đỡ của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương. Nhờ đó, việc xây dựng dự án đã diễn ra suôn sẻ. Ở góc độ đầu tư kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng là một lựa chọn rất đúng đắn.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 76 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 26.396 tỷ đồng. Trong đó, có 57 dự án trong lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 19.021 tỷ đồng và 19 dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.375 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 8 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 6.856 tỷ đồng; có 8 dự án tăng vốn 1.292 tỷ đồng; nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến hết tháng 8 được 8.148 tỷ đồng, tăng hơn 26% so cùng kỳ.

Công ty cũng đã được hỗ trợ đầy đủ về việc làm, tài chính, thuế, cấp chứng chỉ hành nghề cho chuyên gia nước ngoài, năng lượng tương đối ổn định và phương tiện vận chuyển cũng được cải thiện đáng kể. “Năm 2024, công ty khởi công xây dựng giai đoạn 3 của dự án. Sau khi dự án hoàn thành sẽ có công suất sản xuất 6 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư ước tính 200 triệu USD”- ông Fu Hong Jiang cho biết.

Công ty Sản phẩm thể thao giải trí TNHH BestWay Việt Nam (KCN Long Giang) cũng là một trong những dự án lớn mà tỉnh thu hút được trong những năm gần đây. Các sản phẩm do công ty sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ. Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh cũng như tiềm năng đầu tư của Tiền Giang, hiện công ty đang triển khai đầu tư giai đoạn 3 của dự án.

Ông Chen Lihui, Tổng Giám đốc Công ty Sản phẩm thể thao giải trí TNHH BestWay Việt Nam cho biết: “Từ tháng 9-2024, giai đoạn 3 dự án của công ty bắt đầu đi vào hoạt động. Trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất giai đoạn 3, các ngành của tỉnh đã hỗ trợ DN rất nhiều, việc cấp phép cũng được thực hiện rất nhanh. Kế hoạch trong 2 năm tiếp theo, công ty tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động lên 5.000 lao động”.

ĐA DẠNG LĨNH VỰC

Cùng với điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư trong nước của Tiền Giang cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Các dự án được triển khai trên nhiều lĩnh vực, góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Nhà máy của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đi vào hoạt động góp phần tiêu thụ nông sản tỉnh nhà.
Nhà máy của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đi vào hoạt động góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (huyện Chợ Gạo) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 40.000 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Định hướng chiến lược của nhà máy là sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ trái cây của Tiền Giang để nâng cao giá trị trái cây nước ta trên trường quốc tế và tăng thu ngoại tệ qua hoạt động xuất khẩu trái cây sau chế biến. Công suất của nhà máy gồm: 1 xưởng có công suất 60.000 tấn/năm; 1 thiết bị cấp đông nhanh.

Đối với trái thanh long, năm 2022, sản lượng tiêu thụ 18.000 tấn, năm 2023 là 28.000 tấn, kế hoạch năm 2024 là 40.000 tấn. Riêng trái dừa, năm 2023, nhà máy tiêu thụ 43.000 tấn, kế hoạch năm 2024 là 60.000 tấn. Theo đó, các mặt hàng sấy thăng hoa của công ty năm 2023 đạt 1.500 tấn, năm 2024 kế hoạch 6.000 tấn.

Theo đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang, hiện nay, 15% sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu qua các thị trường châu Âu, Mỹ… Hiện DN có 760 lao động và tăng dần qua từng năm. Công ty dự kiến đầu tư thêm 1 dây chuyền cấp đông theo công nghệ Thụy Điển, với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty đầu tư thêm 1 kho chứa thành phẩm dự kiến vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư hợp tác hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trọng điểm phù hợp với tiêu chuẩn Ogranic, GlobalGAP… cho các loại nông sản như: Dừa, thanh long, xoài, chuối, nha đam...

Bên cạnh lĩnh vực chế biến nông sản, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng thu hút được một số dự án đầu tư. Trong đó, nổi bật là Dự án Cảng Du thuyền Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Từ tháng 1-2021, Cảng Du thuyền Mỹ Tho chính thức đi vào hoạt động và trở thành địa danh quen thuộc, nổi bật của Tiền Giang. Cảng Du thuyền Mỹ Tho là bến cảng được đầu tư đúng chuẩn với tổng diện tích 8.210 m2.

Cầu cảng dài 136 m tiếp đón các tàu du lịch quốc tế chở khách chuyên tuyến Mỹ Tho - Phnômpênh (Campuchia). Theo thống kê, từ sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 đến nay, Cảng Du thuyền Mỹ Tho đã đón khoảng 1 triệu lượt khách. Riêng những tháng đầu năm 2024, lượng khách đến cảng tăng 18% so cùng kỳ năm trước, trong đó lượng khách quốc tế tăng 29%.

Với những tín hiệu tích cực và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, dự kiến cuối năm 2024, Cảng Du thuyền Mỹ Tho triển khai đầu tư giai đoạn 2 để cùng chung tay phát triển du lịch tỉnh nhà, tạo điểm nhấn cho du lịch TP. Mỹ Tho nói riêng và Tiền Giang nói chung.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.