.
KHAI THÁC LỢI THẾ ĐỂ THU HÚT NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN

BÀI 2: Dọn đất đón sóng đầu tư

Cập nhật: 09:33, 04/10/2024 (GMT+7)

Bài 1: "Trái ngọt" từ thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI vào tỉnh, Tiền Giang đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) nhằm đón làn sóng đầu tư mới.

TĂNG CƯỜNG THU HÚT ĐẦU TƯ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 Khu công nghiệp (KCN) và nhiều CCN đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh cùng chủ đầu tư các khu, CCN đã đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào để sản xuất, kinh doanh. CCN Gia Thuận 1 (huyện Gò Công Đông) với quy mô 50 ha là một trong những dự án công nghiệp của Tiền Giang mới đi vào hoạt động trong những năm gần đây. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TICCO), hiện tại CCN Gia Thuận 1 có 1 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 10,4 ha; 2 dự án đang chuẩn bị xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 2,83 ha.

CCN Gia Thuận 1 hiện đã đi vào hoạt động.
CCN Gia Thuận 1, huyện Gò Công Đông hiện đã đi vào hoạt động.

Ngoài ra, CCN này còn có 3 nhà đầu tư đặt cọc và thỏa thuận địa điểm để thực hiện dự án, với tổng diện tích khoảng 11,2 ha. Như vậy, tổng diện tích đã ký hợp đồng thuê đất và lựa chọn địa điểm là khoảng 24,4 ha/40,34 ha, đạt tỷ lệ lắp đầy 60,5%. Hiện công ty đã đủ điều kiện để xin mở rộng diện tích CCN. Do đó, DN dự kiến sẽ đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cho chủ trương để mở rộng diện tích CCN Gia Thuận 1 thêm khoảng 25 ha về phía bờ sông Soài Rạp. Riêng CCN Gia Thuận 2, hiện DN đã cơ bản hoàn thành các bước về mặt pháp lý, DN đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải… Dự kiến, CCN Gia Thuận 2 cũng sẽ hoàn thành và tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào năm 2025.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư nước ngoài; đôn đốc triển khai thực hiện đối với các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định của pháp luật đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động và pháp luật khác có liên quan. Ban sẽ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài tại các KCN trên địa bàn tỉnh.

Ngoài khu vực Gò Công, huyện Tân Phước cũng hứa hẹn là điểm đến của các nhà đầu tư nhờ vào lợi thế và tiềm năng hiện hữu. Theo UBND huyện Tân Phước, trên địa bàn huyện có KCN Long Giang với tổng diện tích là 540 ha.

Đến nay, KCN Long Giang đã kêu gọi đầu tư được 55 dự án với các ngành, nghề gồm: Điện tử, đồng, bao bì nhựa… Hiện tỷ lệ lắp đầy của KCN này đạt 85%, với tổng vốn đầu tư là 1,78 tỷ USD và hơn 166 tỷ đồng. Các DN trong KCN Long Giang đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 25.000 lao động. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN trong KCN đạt trên 2 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, KCN đã có nhiều nhà đầu tư đến từ các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đến đầu tư. Các DN liên tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với các ngành và chủ đầu tư KCN Long Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư để lắp đầy diện tích đất.

Mới đây, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tân Phước 1 đã được UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.900 tỷ đồng, có quy mô 470 ha. Đến nay, dự án đã thực hiện xong việc công bố quy hoạch 1/2000. Theo quy hoạch phân khu được duyệt, đây là KCN tổng hợp đa ngành, sau khi đầu tư hoàn thành, KCN Tân Phước 1 sẽ có 362,8 ha diện tích đất công nghiệp có sẵn hạ tầng kỹ thuật để mời gọi đầu tư các ngành công nghiệp như: Sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, kim loại; gường, tủ, bàn, ghế…

Theo ông Phạm Văn Chính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần IDICO Tiền Giang, DN đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại nhiều địa phương và nhận ra tiềm năng, tiềm lực mạnh mẽ của Tiền Giang trong phát triển khu công nghiệp. Trong đó, Tiền Giang xác định cực phát triển công nghiệp đó là khu vực huyện Tân Phước. Hiện DN đang trong quá trình triển khai các bước thủ tục. Công ty cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển KCN Tân Phước 1.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN

Tiền Giang đang tập trung triển khai KCN Bình Đông (TP. Gò Công). Dự án có tổng diện tích 210,1 ha. Vốn đầu tư của dự án là hơn 2.428 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 365 tỷ đồng, với thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương triển khai các bước của dự án theo kế hoạch.

KCN Long Giang đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để lấp đầy diện tích.
KCN Long Giang, huyện Tân Phước đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để lấp đầy diện tích.

Ngoài ra, huyện Tân Phước được quy hoạch là vùng trọng điểm về phát triển công nghiệp của Tiền Giang. Theo đó, nhiều khu, CCN đã được quy hoạch tại địa phương để hướng đến mục tiêu này. Huyện Tân Phước đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để nhanh chóng triển khai các dự án phát triển công nghiệp. Trước mắt, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai KCN Tân Phước 1 vừa được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn quy hoạch KCN Tân Phước 2 với tổng diện tích 450 ha. Đến nay, KCN này đã thực hiện xong việc công bố quy hoạch 1/2000 và cắm mốc quy hoạch theo định. UBND tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn đang triển khai CCN Thạnh Tân với diện tích 50 ha. UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án CCN này. Nhà đầu tư đang phối hợp với các ngành chức năng tổ thực hiện các thủ tục đất đai và triển khai thực hiện các bước đầu tư đảm bảo theo đúng quy định.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phước, trước mắt, huyện sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Tân Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt, với ngành nghề thu hút vào các KCN này gồm: Sản xuất thiết bị gia dụng, công nghiệp nhẹ, sản phẩm máy móc và điện tử, chế biến gỗ và trang trí nội thất… Trong đó, huyện sẽ ưu tiên mời gọi đầu tư các ngành nghề có kỹ thuật cao; xây dựng các CCN như: Thạnh Tân, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Thạnh Hòa, Phước Lập…

Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, để cụ thể hóa mục tiêu đột phá trong phát triển công nghiệp, sở đang tổng hợp hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các CCN: Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Long Trung, Mỹ Phước Tây; đồng thời thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định thành lập CCN Thạnh Tân. Trong những tháng cuối năm, Sở Công thương sẽ cố gắng hoàn chỉnh hồ sơ chủ trương đầu tư các CCN: Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Long Trung, Mỹ Phước Tây và trình thẩm định; hoàn chỉnh tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư các CCN: CCN Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Long Trung, Mỹ Phước Tây, Long Bình; trình Chủ tịch Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư phê duyệt để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.