Thứ Hai, 07/10/2024, 20:53 (GMT+7)
.
KHAI THÁC LỢI THẾ ĐỂ THU HÚT NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN

BÀI CUỐI: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

Bài 1: "Trái ngọt" từ thu hút đầu tư

BÀI 2: Dọn đất đón sóng đầu tư

Để đẩy mạnh thu hút nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

TẬP TRUNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

Để thu hút đầu tư phát triển, Tiền Giang xác định đầu tư kết cấu hạ tầng như: Giao thông, điện, nước… là một trong những khâu then chốt cần tập trung đầu tư. Từ những định hướng này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp.

Theo Nghị quyết 25 của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan để triển khai tốt các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng.

Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; hoàn thành Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Tiền Giang; khởi công Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; khởi công Trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50B); nâng cấp quản lý 3 tuyến đường địa phương thành quốc lộ (Quốc lộ 30B, Quốc lộ 30C, Quốc lộ 62).

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các tuyến đường trục chính, đường vành đai để phát triển giao thông đô thị, các công trình có tính chất kết nối liên vùng, kết nối trung tâm kinh tế.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác các công trình trọng điểm như: Đường dọc sông Tiền (đường tỉnh 864); Đường phát triển Đồng Tháp Mười; đường tỉnh 877C song hành với Quốc lộ 50; xây dựng cầu Đồng Sơn kết nối tỉnh Long An…

Để thu hút các nguồn lực đầu tư, việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống các trường học và đội ngũ giáo viên, học sinh. Đồng thời, Tiền Giang khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong các khu, cụm công nghiệp như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực để kết nối cung cầu lao động giữa DN và người lao động. Một trong những nội dung quan trọng là tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của DN và nhu cầu phát triển…; tăng cường mối liên kết giữa các viện, các trường đại học, các trung tâm đào tạo có uy tín. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực điều hành, quản trị cho các doanh nhân, các chủ DN nhỏ và vừa…

Đây là những tuyến đường động lực đi qua các vùng được quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Khi các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch của tỉnh ngày càng thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh cũng đang tập trung hoàn thiện hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phục vụ phát triển công nghiệp.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến năm 2025, tổng nhu cầu sử dụng nước của các huyện phía Tây ước khoảng 145.565 m3/ngày; tổng nhu cầu sử dụng nước của các huyện phía Đông và TP. Mỹ Tho ước khoảng 114.467 m3/ngày đêm (chưa tính lượng nước sử dụng cho công nghiệp).

Tổng nhu cầu sử dụng nước của khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước khoảng 70.069 m3/ngày đêm. Để đáp ứng nhu cầu này, trong giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.752 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2023-2025 là hơn 1.563 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2025 là hơn 188 tỷ đồng.

TẠO DỰNG MÔI TRƯỜNG MINH BẠCH

Tiền Giang luôn xác định việc tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch là nhiệm vụ trọng tâm. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiền Giang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiền Giang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Tiền Giang sẽ xây dựng, cập nhật Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: Mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, địa điểm, cơ quan quản lý… và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện thật tốt và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhằm đảm bảo tính đồng bộ từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm, danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo pháp lý cho công tác xét duyệt chủ trương đầu tư các dự án.

Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; các dự án sử dụng lao động trình độ cao; các dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định. Đồng thời, Tiền Giang sẽ khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Để thu hút đầu tư phát triển, tỉnh sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn đối các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiền Giang sẽ tập trung quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh đến nhà đầu tư nước ngoài thông qua các doanh nghiệp (DN) FDI đã đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao hiệu quả các cuộc đối thoại giữa DN và các cấp chính quyền; kịp thời giải quyết các kiến nghị của các nhà đầu tư, DN theo quy định của pháp luật. Tiền Giang sẽ tăng cường mời gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản, chế biến - chế tạo…

Đồng thời, Tiền Giang sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ đề ra.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung cho công tác cải cách thủ tục hành chính liên thông trên môi trường điện tử… nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư tại tỉnh; thường xuyên rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

.
.
.