.

Khẩn trương giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình

Cập nhật: 21:06, 23/10/2024 (GMT+7)

(ABO) Chiều 23-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác đầu tư công 9 tháng năm 2024.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh sau khi điều chỉnh là hơn 6.190 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 4.090 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 2.100 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai 356 dự án gồm: 186 dự án chuyển tiếp, 104 dự án khởi công mới, 66 dự án thanh quyết toán. Đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh có 97 dự án khởi công mới, 7 dự án chưa trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong 9 tháng năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

Qua đó, đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư sớm hoàn tất, tiến độ tiếp tục được rút ngắn so với cùng kỳ; kiểm soát chặt chẽ, rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng; điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024…

Tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 21-10-2024 đạt 4.545,6 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân cao. Trong đó, cấp tỉnh giải ngân đạt 74,9% và cấp huyện giải ngân đạt 67,4%.

Trong 9 tháng năm 2024, nhiều sở, ban, ngành và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao. Cụ thể, có 14/35 chủ đầu tư và 2/11 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương phân cấp, bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện, có 4/11 UBND cấp huyện đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân cấp, bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện, có 6/11 UBND cấp huyện đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh.

Vốn ngân sách Trung ương giải ngân tốt về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị, các địa phương và chủ đầu tư đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm; những giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trong năm 2024 và 2025. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được; phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, cộng đồng trách nhiệm với nhau.

Đồng chí Trần Văn Dũng biểu dương và ghi nhận kết quả lập kế hoạch đầu tư công năm 2024, giải quyết được vấn đề về nguồn vốn, chuẩn bị dự án. Bên cạnh những thuận lợi, đồng chí Trần Văn Dũng cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác triển khai đầu tư công.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại hội nghị.

Trong thời gian tới, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các địa phương cần tính toán phương án lồng ghép nguồn vốn đầu tư được phân bổ, chương trình để đầu tư các dự án nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài nguồn vốn Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết những vấn đề khó khăn nhất trong xử lý các điểm sạt lở của các địa phương.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, các công trình bổ sung trong 6 tháng cuối năm phải cố gắng hoàn tất các hồ sơ thủ tục, nhất là công tác tổ chức đầu thầu, kể cả thi công. Nhóm công trình đang triển khai thi công phải tăng cường công tác đôn đốc các nhà thầu…

Về công tác đấu thầu, các chủ đầu tư phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ mời thầu. Về công tác triển khai thi công, đối với công trình năm 2024, các chủ đầu tư phối hợp với địa phương khẩn trương giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Trong công tác thi công, chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý đúng quy định pháp luật để tạo môi trường công bằng giữa các nhà thầu…

M. THÀNH 

.
.
.