Thứ Sáu, 18/10/2024, 21:12 (GMT+7)
.

Kiểm soát lạm phát khi giá điện tăng

Theo Tổng cục Thống kê, dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, gây áp lực lên lạm phát. Theo tính toán, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 4,8% sẽ tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý IV/2024 tăng 0,04 điểm % và tăng 0,12 điểm % trong năm 2025.

a
Cần kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng tiêu dùng sau khi tăng giá điện. Ảnh: BẮC SƠN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Nỗi lo tăng giá

Theo EVN, hiện cả nước có hơn 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng dưới 200 kWh/tháng, việc tăng giá điện sẽ làm chi phí mỗi hộ tăng thêm 13.800 đồng/tháng. Các hộ sử dụng từ 300-400 kWh/tháng sẽ làm các hộ tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng từ 400 kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả khoảng

62.000 đồng/tháng. Hộ nghèo vẫn được hỗ trợ bằng tiền tương ứng 30 kWh/tháng. Hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương, với điều kiện dùng ít hơn 50 kWh/tháng, theo Quyết định 28 của Thủ tướng.

Ước tính, tiền điện phải trả thêm mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp là 91.000 đồng. Giá điện điều chỉnh lần này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,04%.

Tuy vậy, chị Bích Hồng (trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù đã sử dụng tiết kiệm song tiền điện trung bình mỗi tháng cũng lên tới gần 700.000 đồng/tháng. Hiện giá điện lại tăng, chị cảm thấy lo lắng vì biết chắc nhiều chi phí sẽ lên theo giá điện. “Những tháng cuối năm vốn là thời điểm giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt tăng rất mạnh. Nhưng nay việc giá điện tăng rất có thể là cái cớ để giá hàng tiêu dùng tăng sớm, dù chưa đến Tết”.

Cùng chung nỗi lo, bà Hồng Xuân (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hơn một tháng nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá sau bão số 3, đặc biệt là rau xanh. Chưa kịp mừng vì giá rau giảm thì giá điện lại tăng. Không chỉ tiền điện tăng, hàng hóa có thể cũng vin theo giá điện tăng để tăng.

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng từ các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha… liên tục đổ về. Đến nay, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm, thậm chí có những mặt hàng có đơn hàng đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025. Tuy vậy, việc tăng giá điện ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay. “Giá điện chiếm 2-3% giá thành sản phẩm, nên việc tăng giá điện sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng. Tuy vậy, thời điểm hiện tại khó có thể tăng giá sản phẩm, vì vậy doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, trước đây mỗi khi giá điện tăng thường sẽ xảy ra hiện tượng giá cả hàng hóa "tát nước theo mưa", lập tức tăng theo, dù trên lý thuyết thì giá điện sẽ không tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa ngay như thế được.

Tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trong cùng thời điểm

Đại diện cho cơ quan thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, giá điện bình quân tăng 0,48% thì chỉ làm tăng CPI quý IV thêm 0,04 điểm % và cả năm 2025 là 0,12 điểm %. Tuy vậy, khi nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng khá thì lượng điện tiêu thụ trong thời gian tới cũng tăng cao, từ đó sẽ tác động lên lạm phát. Ngoài ra, một số yếu tố cần được theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm nay như rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.

Đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, USD có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. “Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý”.

Theo bà Oanh, bình quân 9 tháng đầu năm nay chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,88%. So với mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đề ra trong năm nay thì đến thời điểm này, có thể khá yên tâm rằng sẽ đạt được mục tiêu lạm phát đề ra. Cụ thể, để đạt được mức lạm phát cao nhất là 4,5% thì quý IV có thể tăng 6,4% và điều này khó có thể xảy ra.

Vì vậy, Tổng cục Thống kê dự báo lạm phát năm nay ở mức 4%, tạo ra dư địa cho điều hành giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, việc điều hành giá này cần quan tâm đến thời điểm và mức độ điều chỉnh, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng và tạo áp lực lên việc điều hành giá trong năm 2025. “Chính phủ cũng cần kiểm soát giá, tránh hiện tượng "tát nước theo mưa" theo việc tăng giá điện gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Theo đó, công tác thông tin truyền thông rất quan trọng, tức là phải thông tin một cách hiệu quả, rõ ràng về các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tránh thông tin sai lệch gây nên lạm phát kỳ vọng”, bà Oanh nêu rõ.

Còn theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đến nay, dù vẫn trong tầm kiểm soát, song áp lực của lạm phát vẫn gia tăng, không chỉ từ việc tăng giá điện mà còn có thể từ việc điều chỉnh một số mặt hàng dịch vụ vào cuối năm. Nếu lạm phát tăng quá cao thì ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ số này cần được ưu tiên tập trung theo dõi và điều chỉnh nhằm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành cố gắng thực hiện các giải pháp để giá cả trong tầm kiểm soát, Việt Nam cũng đang nhận được những điều kiện thuận lợi từ thị trường quốc tế. Cụ thể, vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã giảm lãi suất cơ bản 0,5% điểm, từ đó tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam ở góc độ sẽ giảm bớt áp lực với tiền đồng, kéo theo cơ hội giảm lãi suất trong nước. “Áp lực lạm phát sẽ giảm từ nay đến cuối năm nếu như có những chính sách điều hành khôn khéo và linh hoạt, chủ động và có thể duy trì lạm phát như Chính phủ và Quốc hội đề ra”, ông Bình tin tưởng.

Nhận định về tác động của việc tăng giá điện tới giá cả hàng hóa, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tăng giá điện thêm 4,8% là mức vừa phải và sẽ không tác động lớn đến lạm phát cả năm, đặc biệt khi tăng trong giai đoạn cuối năm thì chỉ ảnh hưởng khoảng 0,04%.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.