Kinh tế phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt
Kinh tế năm 2024 đã đi được ¾ chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, ở trong nước, thiên tai, bão lụt, mưa lớn kéo dài trong tháng 9, đặc biệt là cơn bão số 3 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và đời sống người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, nền kinh tế đã phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III, tính chung 9 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may sơ mi, veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN |
Kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế 9 tháng qua có nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lụt.
Chia sẻ tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 6/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tính chung 09 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,95%.
Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)… Bên cạnh đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…
Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế; các địa phương đã kịp thời khắc phục các sự cố về điện, viễn thông, bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại ngay sau bão lụt. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III tăng 11,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2019 đến nay; chỉ số tiêu thụ tăng 12,5%, tỷ lệ tồn kho giảm.
Trong tháng 9, có khoảng 17,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tính chung 09 tháng có khoảng 183 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163,8 nghìn doanh nghiệp). Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý III, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.
Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý. Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 09 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới khoảng 13,6 tỷ USD, tăng 11,3%; vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao…
Bất chấp những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược". Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty khi chia sẻ về nhận định nền kinh tế Việt Nam "sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu" cũng đã đề cập đến sự phục hồi ổn định của nền kinh tế "là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất đã quyết định nâng dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1%, cao hơn mức dự báo "gần 6%" được đưa ra hồi tháng 6/2024. Không chỉ IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng Việt Nam (6% năm 2024), thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN; Angsana Council, Bain&Co và Ngân hàng DSB dự báo Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng khu vực với mức tăng GDP 6,6%. Trong khi đó, ngân hàng HSBC tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%, khi lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Có được những kết quả ấn tượng này là nhờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Tính chung 9 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, 1.129 quyết định, 35 chỉ thị. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP để chỉ đạo đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong 9 tháng, cả nước đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 116,4 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nâng quy mô gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản lên gấp 2 lần, khoảng 60 nghìn tỷ đồng; chỉ đạo các ngân hàng triển khai các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Tiến độ giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được đẩy nhanh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại Kỳ họp thứ 8; tập trung xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”… để tháo gỡ các nguồn lực bị tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.
Nhận diện khó khăn
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chín tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những biến động rất phức tạp, khó lường từ bên ngoài; trong khi động lực tăng trưởng từ thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, về phía cung, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc, gây ngập úng, thiệt hại cho khoảng 384,8 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả; khiến 35 nghìn ha nuôi trồng thủy sản và 11,8 nghìn lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi; nhiều cơ sở lưu trú, du lịch bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa, có thể bỏ lỡ mùa khách du lịch cuối năm. Bởi vậy, các giải pháp hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV và đầu năm 2025 cần được đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời.
Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 09 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).
Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025, do đó, thị trường trong nước sẽ là động lực ngày càng quan trọng, cần quan tâm hơn, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài. Áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, nhất là biến động nguồn cung, giá dầu, hàng hóa thế giới. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn.
Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo đột phá về năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024 trên cơ sở kết quả quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 7% (quý IV cần tăng 7,6%), phấn đấu trên 7%. Kịch bản này được đưa ra dựa trên các yếu tố như xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn; đầu tư của khu vực nhà nước (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước) phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực; thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới. Cùng với đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 02 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu 02 địa phương này tăng trưởng bứt phá trong quý IV, tăng trưởng cả nước sẽ vượt 7%.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định phải khai thác hiệu quả các cơ hội, nhất là đẩy mạnh là động lực tăng trưởng từ đầu tư, tiêu dùng trong nước để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2024, củng cố và giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2025.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm, thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, các trang trại, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch để nhanh chóng tái đàn, tái vụ, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Một số giải pháp khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất như tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực đang bị tồn đọng trong các dự án, đất đai cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, lưu ý sớm xây dựng chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí trong năm 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia…
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng… trong đó, tập trung tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đồng thời chú trọng đến việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế…
“Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024 tổ chức vừa qua.
Theo Báo Tin Tức (TTXVN)