.

Mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức PPP

Cập nhật: 21:25, 21/10/2024 (GMT+7)

(ABO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 11319 gửi UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Long An và UBND tỉnh Tiền Giang về việc tham gia ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án).

Việc đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Việc đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là trục hướng tâm, cửa ngõ phía Nam của TP. Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TP. Hồ Chí Minh) với TP. Hồ Chí Minh, có vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong khu vực.

Thời gian qua, lưu lượng vận tải trên tuyến tăng cao, vượt quá năng lực phục vụ của tuyến đường, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và có nguy cơ mất an toàn giao thông vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ, tết...

Để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu triển khai Dự án theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã giao liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (nhà đầu tư đề xuất) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, nhà đầu tư đề xuất đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Để có cơ sở thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Long An và Tiền Giang nghiên cứu, có ý kiến tham gia hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án về một số nội dung như: Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan của địa phương; hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của địa phương; sự cần thiết đầu tư và sự phù hợp về hình thức đầu tư, mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến; các nội dung khác có liên quan.

Tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư mở rộng sẽ tạo động lực để các tỉnh miền Tây phát triển.
Tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư mở rộng sẽ tạo động lực để các tỉnh miền Tây phát triển.

Văn bản tham gia ý kiến đề nghị gửi về Bộ GTVT trước ngày 24-10. Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư đề xuất Dự án, Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT có trách nhiệm gửi đầy đủ hồ sơ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của các địa phương trong quá trình thực hiện.

Theo phương án đầu tư của nhà đầu tư đề xuất, Dự án sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91 km, bao gồm cả nút giao Chợ Đệm trong giai đoạn năm 2024 - 2028 theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia.

Trong đó, đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có điểm đầu tại Km10+000 và nút giao Chợ Đệm; điểm cuối tại Km49+620 tại trước nút giao Thân Cửu Nghĩa. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 39,62 km đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh khoảng 1,2 km, tỉnh Long An khoảng 28,5 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 9,92 km. Đoạn tuyến này được đề xuất đầu tư mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, chiều rộng nền đường 41 m.

Đối với đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đề xuất điểm đầu tại Km49+620 trước nút giao Thân Cửu Nghĩa; điểm cuối tại Km101+126 tại nút giao với Quốc lộ 30. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 51,5 km, qua địa bàn TX. Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè, Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Dự án sẽ thực hiện đầu tư mở rộng 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, chiều rộng nền đường 32,25 m.

Để phát huy tính hiệu quả đầu tư Dự án, nhà đầu tư đề xuất đã phân tích và đưa ra các kịch bản phương án đầu tư toàn tuyến. Cụ thể, phương án 1, đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc dài 91 km trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng (bao gồm phần hoàn trả công trình bị ảnh hưởng khi triển khai Dự án giai đoạn mở rộng).

Phương án 2, đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc dài 91 km như phương án 1 và các công trình ngoài phạm vi Dự án theo đề xuất của địa phương. Sơ bộ, tổng mức đầu tư theo phương án 1 khoảng 33.317 tỷ đồng, phương án 2 là 37.970 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 23-9-2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản số 5992 gửi Ban Quản lý dự án 7 về việc ý kiến phương án đầu tư Dự án. Theo đó, căn cứ kết quả buổi làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Ban Quản lý dự án 7 về phương án đầu tư Dự án, UBND tỉnh thống nhất phương án đầu tư đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương với quy mô 8 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban Quản lý dự án 7 rà soát quy hoạch, thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.

Để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của người dân hai bên đường, UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án 7 đối với đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đầu tư hoàn thành khoảng 5 km đường gom còn lại trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang theo Công văn số 3006/UBND-TH ngày 16-6-2023 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, cập nhật hồ sơ, đầu tư hoàn thành các đoạn đường gom còn lại. UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cung cấp hồ sơ cho Ban Quản lý dự án 7.

Trường hợp phương án tài chính hoàn vốn đầu tư có khó khăn, để đảm bảo tính khả thi của Dự án khi triển khai thực hiện, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư các công trình dân sinh.

Ý PHƯƠNG

.
.
.