Thứ Hai, 14/10/2024, 08:21 (GMT+7)
.
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG:

Nỗ lực vì sự phát triển bền vững của tỉnh Tiền Giang

Chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò tham mưu trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Tiền Giang, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng toàn diện của tỉnh.

Với những kết quả đạt được, Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023; UBND tỉnh nhiều năm liền tặng Cờ thi đua xuất sắc…

THAM MƯU THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KT-XH

Một trong những kết quả nổi bật của Sở KH&ĐT tỉnh là việc tham mưu UBND tỉnh, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH của năm. Để chuẩn bị tốt cho xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công năm 2023, ngay từ giữa năm 2022, Sở KH&ĐT đã chủ động phối hợp các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 gửi Bộ KH&ĐT, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết dự kiến Kế hoạch đầu tư công 2023 để các sở, ngành và địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2023. 			                  						                                                                                 Ảnh: HẠNH NGA
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2023. Ảnh: HẠNH NGA

Cùng với đó, căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch năm 2023, từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 20 ngày 19-1-2023 thực hiện Nghị quyết 01 ngày 6-1-2023 của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Điểm mới của năm 2023 là kế hoạch hành động phân công chi tiết nội dung công việc, chỉ tiêu, tiến độ, thời gian hoàn thành cho từng sở, ban, ngành và địa phương kèm phụ lục rất chi tiết, kể cả phân công lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện từng chỉ tiêu của kế hoạch năm. Đây là cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng có đánh giá sơ kết, tổng kết để đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Đồng thời, Sở phối hợp Cục Thống kê tỉnh tham mưu UBND tỉnh và làm việc với Tổng cục Thống kê nhiều lần về rà soát, đánh giá kết quả tăng trưởng GRDP trong năm.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh trong xây dựng các báo cáo tình hình KT-XH; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Sở KH&ĐT tỉnh theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy như: Tổng hợp Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực thực Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh; Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tham mưu Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong nửa nhiệm kỳ còn lại; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy...; tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023...

Đặc biệt, Sở KH&ĐT tỉnh cũng đã tập trung triển khai các bước lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đúng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh báo cáo Thường trực UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng thẩm định xem xét.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762 ngày 31-12-2023; đồng thời Sở KH&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền giang để công bố, công khai quy hoạch, triển khai các nội dung Quy hoạch tỉnh và mời gọi đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm để tạo nguồn lực quan trọng thực hiện Quy hoạch tỉnh.

NHIỀU GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT, HIỆU QUẢ

Thực tiễn cho thấy, những đóng góp của Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang trong việc thu hút đầu tư đã tạo ra những tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết, năm 2023, Tiền Giang cũng đối mặt với nhiều thách thức từ những biến động của nền kinh tế thế giới, để kế hoạch đầu tư công năm 2023 tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bù lại những ngành khác bị tác động bất lợi bởi lạm phát cao, thị trường tiêu thụ còn khó khăn. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh như: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới; chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp trong điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành công tác thẩm định chủ trương đầu tư 65 dự án (HĐND tỉnh thông qua 2 Nghị quyết 09 ngày 13-7-2023 và Nghị quyết 37 ngày 8-12-2023 với 5 dự án nhóm B, UBND tỉnh phê duyệt 60 dự án).

Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, công tác thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2023, tỉnh thu hút được 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.821 tỷ đồng, tăng 1 dự án, vốn đăng tăng 75,8% so với năm 2022 (trong đó: thu hút được 11 dự án vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký 7.466 tỷ đồng; thu hút được 6 dự án vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký 354,8 tỷ đồng).

Có 9 dự án đăng ký tăng vốn 3.445 tỷ đồng, bằng 60,5% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư thu hút năm 2023 đạt 11.266 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Công tác đấu thầu được kiểm soát chặt chẽ các gói thầu, năm 2023, đã thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu 91 dự án và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu 110 dự án; tham mưu xử lý, giải quyết kiến nghị 16 hồ sơ kiến nghị đấu thầu, trong đó đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đối với 7 gói thầu.

Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết dự kiến kế hoạch đầu tư công 2023 từ giữa năm 2022, giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay trong tháng 12-2022; kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công các nguồn vốn Trung ương, vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh…; đồng thời, thường xuyên kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều chuyển vốn từ những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khối lượng cao nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn ở mức cao và chia đều qua các quý, không tập trung vào cuối năm...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ ngày 24-11-2023, tỷ lệ giải ngân 11 tháng của tỉnh Tiền Giang xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 6/115 bộ, ngành Trung ương, là nguồn lực quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh đạt 5,72%; quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 123.048 tỷ đồng, xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Sở cũng đặt trọng tâm vào công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp bằng việc triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh…

Điều này không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ mà còn tạo môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI). Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 đã có sự cải thiện mạnh mẽ, năm 2023 hạng 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 21 hạng so năm 2022 (hạng 50/63 tỉnh, thành phố), trong đó chỉ số chính sách hỗ trợ DN cải thiện mạnh mẽ nhất, năm 2023 đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, Sở KH&ĐT còn thường xuyên tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 là 875 doanh nghiệp…

Với những nỗ lực và kết quả đạt được, Sở KH&ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Tiền Giang ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

HOÀI THU

.
.
.