Tăng trưởng của Việt Nam nhanh như "tên lửa"
Tờ báo hàng đầu Nhật Bản Nikkey hôm vừa rồi giật tít “Tăng trưởng quý 3 của Việt Nam dựng đứng như rocket 7,4%, cao nhất trong vòng 2 năm”.
Phải lâu lắm rồi báo chí quốc tế mới có tin tích cực như vậy kể từ khi nền kinh tế gặp bao thăng trầm bắt đầu từ Covid-19.
Số liệu này được trích dẫn từ Tổng cục Thống kê, theo đó GDP chín tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước và dần trở lại đà tăng trưởng.
Đây là tin mừng bất chấp bão Yagi để lại rất nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội ở hơn 20 tỉnh phía Bắc, vốn chiếm tới hơn 40% GDP của đất nước. Cơn bão này gây thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu là 81.503 tỷ đồng; chỉ riêng ngành ngân hàng đã có tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi lên tới 165 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ đô la).
Nhưng, đáng kinh ngạc, những tỉnh bị bão Yagi tác động nặng nề nhất lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất như Lai Châu 11,6%, Điện Biên 10,55%, Phú Thọ 9,56%, Tuyên Quang 9,14%, Hòa Bình 9,02%. Hai tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng cũng tăng trưởng rất cao ở mức lần lượt là 8,02% và 9,77%.
Tốc độ tăng trưởng cao có được là nhờ chuyển đổi số đã diễn ra trên diện rộng. Ảnh: Phạm Hải |
Tăng trưởng cao luôn là áp lực của các nhiệm kỳ, cũng như đòi hỏi của thực tiễn đất nước để thu hẹp và đuổi kịp khoảng cách phát triển với các quốc gia đi trước trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, tăng trưởng cao của quý 3 năm nay đưa ra một tín hiệu tích cực đáng mừng sau hàng loạt những yếu tố chủ quan lẫn khách quan như Covid-19, suy giảm kinh tế, tình trạng “sợ trách nhiệm” của bộ máy, bão Yagi…
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích với tôi rằng, tốc độ tăng trưởng cao có được là nhờ chuyển đổi số đã diễn ra trên diện rộng.
Lời giải thích này dường như thỏa đáng. Việt Nam đang cố gắng “làm tổ” thu hút các “đại bàng” trong ngành AI, dữ liệu lớn trong mấy năm nay và phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Singapore, những quốc gia đã đón được “đại bàng” thật.
Chỉ có điều, Tổng cục Thống kê nên công bố các số liệu liên quan để thấy, công cuộc chuyển đổi số đã đặt dấu ấn mạnh mẽ lên tăng trưởng như thế nào.
Tăng trưởng của Việt Nam lâu nay phụ thuộc lớn vào tăng vốn đầu tư, tiêu dùng, thể hiện rõ là hệ số ICOR của Việt Nam luôn cao hàng đầu thế giới.
Mấy năm nay, nguồn vốn cho đầu tư công tăng rất cao để phát triển các đại dự án như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường vành đai 4 vùng Thủ đô, đường vành đai 3 ở TP.HCM… nhằm kích thích kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân teo tóp lại.
Nhưng nay tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, như truyền thống nữa. Bằng chứng là giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47% trong 9 tháng đầu năm nay. TP.HCM mới giải ngân vỏn vẹn 20%, Hà Nội giải ngân gần 39%.
Điều này được thể hiện rõ trong ngành xi măng và sắt thép với số lượng tồn kho cao và nhiều doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần.
Đầu tư công không đúng kế hoạch, đầu tư tư nhân chỉ tăng 7,1%, tức chỉ hơn một nửa so với trước đây mà tăng trưởng vẫn như “tên lửa” cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam đã không còn phụ thuộc quá lớn vào đầu tư - điều mà nền kinh tế thâm dụng vốn luôn phải lệ thuộc trong mấy thập kỷ gần đây.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói: “Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu như không có bão xảy ra thì con số (tăng trưởng quý 3) có thể còn cao hơn 7,4%”.
Ông bổ sung thêm, theo kịch bản xây dựng với kết quả của quý 3 và 9 tháng thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm. “Nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%”, ông nói.
Nếu tốc độ tăng trưởng đạt như cam kết, Việt Nam sẽ là một ngôi sao sáng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 8-10 cho biết, tăng trưởng chung của khu vực dự báo đạt 4,8% trong năm 2024. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc dự báo sẽ chỉ ở mức 4,8% năm 2024.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở nước ta - như số liệu công bố - chứng minh rằng, ở cấp độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện vượt bậc về chất lượng và hiệu quả vì có sức chống chịu rất lớn trước thiên tai và bất ổn trên thế giới.
Theo vietnamnet.vn