Thứ Sáu, 25/10/2024, 10:37 (GMT+7)
.

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án thành phần 2) là một trong những công trình trọng điểm mà Tiền Giang đang triển khai. Hiện tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn về di dời hạ tầng, nguồn nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án.

TẬP TRUNG QUYẾT LIỆT

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án dân dụng), Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 7.496 tỷ đồng, bao gồm 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng kiểm tra tiến độ Dự án thành phần 2 tại cầu Rạch Ruộng.                 	                                                                                                  Ảnh: MINH THàNH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng kiểm tra tiến độ Dự án thành phần 2 tại cầu Rạch Ruộng.

Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè.

Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó, thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,8 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,63 km. Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc gồm 4 làn xe hạn chế, với chiều rộng nền đường 17 m. Giai đoạn phân kỳ chưa bố trí làn dừng khẩn cấp, có bố trí đoạn dừng khẩn cấp, trung bình 4 - 5 km/1 đoạn dừng khẩn cấp có chiều dài 170 m…

Theo đồng chí Trần Văn Dũng, qua 2 tháng triển khai thi công, liên danh các nhà thầu thể hiện tinh thần rất cao, đã xây dựng lộ trình kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn để triển khai các hạng mục Dự án thành phần 2. Đặc biệt, các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch lộ trình rất khoa học.

Cụ thể, đối với các cầu, cống không phải sử dụng vật liệu cát san lấp, các nhà thầu đã triển khai đồng bộ, một số hạng mục tiến độ vượt kế hoạch. UBND tỉnh Tiền Giang ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu. Tỉnh mong muốn các nhà thầu tiếp tục duy trì tinh thần và tiến độ này.

Dự án thành phần 2 có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 83,345 ha (trong đó, tỉnh Đồng Tháp 28,363 ha và tỉnh Tiền Giang 54,982 ha).

Thời gian qua, Ban Quản lý dự án dân dụng đã tích cực phối hợp cùng huyện Cái Bè và tỉnh Đồng Tháp thực hiện công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 đã cơ bản hoàn thành.

Trong đó, phía địa phận Tiền Giang, 100% hộ dân đã bàn giao mặt bằng. Về việc di dời hạ tầng hệ thống điện trung, hạ thế, Ban Quản lý dự án dân dụng đang thực hiện hồ sơ di dời. Riêng hệ thống điện cao thế, Ban Quản lý dự án dân dụng đang thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan trình Bộ Công thương thẩm định.

Trước tính cấp bách của Dự án thành phần 2 và áp lực tiến độ, hiện liên danh các nhà thầu đang tổ chức triển khai 21 mũi thi công để thực hiện các công việc như: Phát quang, dọn dẹp mặt bằng tuyến chính và nút giao; đào đất không thích hợp; gia cố nền bằng cừ tràm; đào nền tuyến đường chính; lắp đặt cống tạm; đắp bờ bao đường công vụ; đóng cọc thử…

Theo đó, trong thời gian chờ nguồn cát san lấp, bên cạnh tuyến chính, liên danh các nhà thầu đang tập trung nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu, cống trên tuyến. Trên công trường, hàng trăm kỹ sư, công nhân và nhiều thiết bị máy móc đã được tập trung để triển khai thi công các hạng mục công trình.

Thượng tá Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (thành viên đứng đầu liên danh các nhà thầu) cho biết, Dự án thành phần 2 có chiều dài 11,43 km và tất cả đều phải xử lý nền đất yếu. Trong đó, có đoạn thời gian xử lý nền đất yếu cao nhất là 18 tháng và thấp nhất là 10 tháng. Trong khâu xử lý nền đất yếu bắt buộc các nhà thầu phải đảm bảo kỹ thuật để không lún nền đường sau này. Do vậy, các nhà thầu đã đưa ra các phương án trong từng giai đoạn để thực hiện công việc này.

Cụ thể, các nhà thầu tập trung thi công những đoạn cần xử lý nền đất yếu trước để đảm bảo ổn định nền đường. Khi có nguồn vật liệu san lấp cấp theo cơ chế đặc thù, nhà thầu sẽ ưu tiên làm trước những đoạn này. Nhà thầu cũng đang tập trung thi công các cầu, để phấn đấu thông tất cả các cầu vào cuối năm 2025, đảm bảo giao thông toàn tuyến thông suốt, phục vụ việc vận chuyển vật liệu.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Tại chuyến kiểm tra tiến độ Dự án thành phần 2 vào chiều ngày 22-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu trong thời gian tới, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các hạng mục không cần sử dụng nguyên vật liệu khan hiếm.

Trên cơ sở đó, thời gian còn lại, các đơn vị sẽ tập trung triển khai các hạng mục khác khi có nguyên vật liệu đầy đủ. Khi đến giai đoạn triển khai các hạng mục còn lại, các nhà thầu cần phân kỳ đầu tư, cụ thể như việc xử lý nền đất yếu, đoạn nào kéo dài thời gian thì phải tập trung thực hiện trước.

Các nhà thầu đang triển khai 21 mũi thi công.
Các nhà thầu đang triển khai 21 mũi thi công.

Đối với khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đồng chí Trần Văn Dũng cho biết, phía Đồng Tháp đã cam kết cung cấp cho Dự án thành phần 2 là 300.000 m3 cát. Tiền Giang cũng đang đẩy nhanh các quy trình thủ tục để cung cấp cát cho Dự án thành phần 2. Hiện tỉnh đã xác định mỏ và đánh giá trữ lượng, chất lượng khác để đảm bảo các tiêu chí.

Đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án dân dụng đánh giá lại các công trình công cộng xem điểm nào còn vướng. UBND tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp mời tất cả các bên để tháo gỡ khó khăn này. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ trước những công trình tại vị trí đang thi công.

Huyện Cái Bè có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu hỗ trợ việc vận chuyển vật tư, tập kết thiết bị. Đồng thời, vận động người dân đồng thuận để tạo điều kiện cho các nhà thầu tập kết vật liệu vào công trình. Các nhà thầu trong quá trình vận chuyển vật liệu nếu gây ảnh hưởng đến đường giao thông thì phải duy tu…

M. THÀNH

.
.
.