Tiền Giang: Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm
(ABO) Sáng 18-10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực; sản phẩm gắn với Chương trình OCOP sau khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)”.
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tuấn Phong cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới song hành với sự phát triển kinh tế tri thức của đất nước, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Có sở hữu hợp pháp về tài sản trí tuệ (TSTT) mới kích thích được khả năng sáng tạo và phát triển thêm nguồn TSTT trong doanh nghiệp; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Phong phát biểu tại hội thảo. |
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ xây dựng và bảo hộ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ chủ lực; sản phẩm gắn với chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ có nhãn hiệu làm tăng giá trị sản phẩm, thay đổi nhận thức của người dân về thói quen sử dụng sản phẩm không có nhãn mác chuyển sang sử dụng có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã đa dạng.
Đồng chí Nguyễn Minh Thư, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành - Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ chủ lực; sản phẩm gắn với Chương trình OCOP sau khi bảo hộ quyền SHTT được các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp rất quan tâm.
Do đó, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo với rất nhiều nội dung gồm: Quy định của pháp luật và thực tiễn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ trình bày tham luận tại hội thảo. |
Đây là tiền đề, cơ sở để các địa phương lưu ý khi đề xuất hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực. Đồng thời, có được những thông tin trong việc đề xuất những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm dịch vụ chủ lực, sản phẩm OCOP.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các nội dung như: Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ chủ lực, sản phẩm OCOP đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT của tỉnh Tiền Giang; giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý, cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; giải pháp hỗ trợ khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh Tiền Giang theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội thảo. |
Các đại biểu còn tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực; sản phẩm gắn với Chương trình OCOP sau khi bảo hộ quyền SHTT…
ANH THƯ - HỮU THÔNG