.

Tiền Giang: Huy động nguồn lực nâng cao tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân

Cập nhật: 20:52, 15/10/2024 (GMT+7)

(ABO) Chiều 15-10, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các địa phương và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang triển khai đầu tư các công trình cấp nước theo Kế hoạch 82/KH-UBND ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020; Kế hoạch 435/KH-UBND ngày 17-10-2023 về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025 (thay thế Kế hoạch 82/KH-UBND), góp phần đảm bảo cung cấp sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tổng số trạm và nhà máy nước thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý là 88 trạm và nhà máy cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tổng công suất khai thác 149.064 m3/ngày đêm, tổng sản lượng tiếp nhận từ các nhà máy nước 60.092 m3/ngày đêm.

Về tỷ lệ bao phủ cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Cụ thể, khu vực đô thị, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 99,75% với mức cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm. Hiện Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang cung cấp cho 268.544 hộ dân (gồm đô thị và nông thôn).

Khu vực nông thôn, đến nay, tổng số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 416.071 hộ, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung 96,69%. Tổng số hộ dân chưa được tiếp cận nguồn nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung, chưa thể đầu tư mạng lưới cấp nước đến nay là 13.772 hộ (chiếm tỷ lệ 3,31%).

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, việc cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, như: Kinh phí từ ngân sách hạn chế, cần phải bố trí cho nhiều lĩnh vực nên không thể cân đối tất cả các công trình cấp nước theo kế hoạch. Do sự phát triển gia tăng dân số, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lưu lượng và áp lực nước phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh, cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước, gồm: Nguồn cấp nước, trạm tăng áp, tuyến ống chuyển tải chính, hệ thống tuyến ống chuyển tải thứ cấp để kết nối cấp nước đến các hộ dân và các công trình phụ trợ khác. Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước cần thời gian và nguồn kinh phí lớn mà ngân sách tỉnh hạn chế làm ảnh hưởng đến tỷ lệ phủ kín hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Mặc khác, do đặc thù vùng nông thôn, đối với các hộ xa các đường giao thông, xa tuyến ống nước chính thuộc vùng lõm chưa có đơn vị cấp nước sinh hoạt phục vụ, các đơn vị tổ hợp tác, hợp tác xã không thể đầu tư do cần đầu tư nguồn cấp và hệ thống tuyến ống riêng, số hộ cấp ít, hiệu quả đầu tư không cao. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cũng không thể đầu tư do sử dụng kinh phí đầu tư không hiệu quả và còn cân đối đầu tư cho nhiều công trình cấp nước khác. Điều này làm ảnh hưởng đến tỷ lệ phủ kín hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chất lượng nước của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân chưa đảm bảo theo quy định nhưng vì nhu cầu sử dụng của nhân dân nên không thể không cấp nước, nhưng do tính đặc thù của nước là nguồn thiết yếu cung cấp cho người dân nên chưa thể chấm dứt ngay hoạt động của các trạm cấp nước nông thôn, cần có thời gian để lựa chọn đơn vị cấp nước khác đầu tư công trình cung cấp nước cho người dân.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát trao đổi liên quan đến chất lượng nguồn nước, tình trạng các trạm cấp nước tại nhiều địa phương xuống cấp nặng; lộ trình đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến ống nước; thời gian đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến ống nước phía Tây, phía Đông của tỉnh; giải pháp phủ kín các hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch tập trung; việc kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị cấp nước chưa đảm bảo đúng quy định về chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân sử dụng…

Tại đây, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã giải trình làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra; đồng thời, cùng thảo luận, trao đổi, đề ra một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, đây là cơ sở để UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc cung cấp nước cho nhân dân trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, UBND tỉnh chuẩn bị thuê tư vấn để làm đề án về cấp nước mang tính tổng thể trên toàn tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Y tế, các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp, tăng cường ngoại kiểm nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhân dân. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cũng lưu ý các doanh nghiệp cấp nước nghiên cứu kỹ các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong hoạt động cấp nước sạch nông thôn, nếu thuộc đối tượng hỗ trợ thì nhanh chóng làm hồ sơ gửi về các sở, ngành tỉnh để được xem xét hỗ trợ. Đối với các ý kiến cũng như gợi mở một số giải pháp của Đoàn giám sát, UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi đánh giá cao sự tập trung lãnh đạo của UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vấn đề cấp nước cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành tỉnh đã nâng tỷ lệ cấp nước sạch tập trung cho người dân qua từng năm và đến nay đạt 96,69%.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhiều người dân chưa tiếp cận được nguồn nước đều tha thiết mong muốn được sử dụng nguồn nước tập trung. Bởi hiện nay, nhiều cây nước của tư nhân đầu tư chưa đạt chuẩn theo quy định nên người dân sử dụng rất lo lắng. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới quan tâm huy động nhiều nguồn lực nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân sử dụng, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đặt ra đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%.

Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các sở, ngành tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 435 ngày 17-10-2023 của UBND tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025 xem còn những khó khăn, hạn chế hay những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để có giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tính toán nguồn lực đầu tư cụ thể, đâu là nguồn lực của tỉnh, đâu là nguồn lực của huyện, việc nhà nước và nhân dân cùng làm thì tỷ lệ như thế nào cho phù hợp...

Cùng với đó, cần quan tâm chỉ đạo các ngành tăng cường việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp huyện, xã, kiểm tra nhắc nhở các đơn vị cấp nước thường xuyên đảm bảo nguồn nước an toàn cho người dân sử dụng trong thời gian tới...

THU HOÀI

.
.
.