Thứ Bảy, 12/10/2024, 13:54 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nâng tầm doanh nghiệp

Trải qua nhiều khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã dần hồi phục, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của Tiền Giang.

DẤU HIỆU TÍCH CỰC

Khối DN xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những dấu hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng - GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho) Nguyễn Văn Đạo cho biết, 9 tháng năm 2024, các chỉ tiêu mà DN đặt ra đã tăng từ 20% - 25% so với cùng kỳ năm 2023 bao gồm: Sản lượng sản xuất, nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu. Theo dự báo, năm 2024, nền kinh tế thế giới tiềm ẩn rất nhiều khó khăn.

Ngay từ đầu năm, cước tàu vận chuyển tăng lên rất nhiều do các cuộc xung đột trên thế giới; một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên đẩy chi phí logistics tăng lên rất cao. Bên cạnh đó, dịch chuyển xu hướng tiêu dùng cũng có những thay đổi từ vị trí này sang vị trí khác.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang hồi phục tích cực.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang hồi phục tích cực.

Các biến đổi, dịch chuyển về mặt thị trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, bù lại đối với trong nước, lãi suất ngân hàng tương đối ổn định; vấn đề mùa vụ, thời tiết thuận lợi; sản lượng nuôi trồng duy trì tốt, giá thành được quản lý tốt hơn, lực lượng lao động ổn định, đời sống công nhân được củng cố liên tục…

Tổng hợp các yếu tố đã giúp cho tình hình sản xuất, kinh doanh của DN thuận lợi hơn năm 2023. Chưa kể, nhu cầu tiêu dùng, nhất là sản phẩm chế biến từ thủy sản của thế giới không ngừng tăng lên, nên thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng hơn nữa, các thị trường truyền thống tiêu thụ nhiều hơn so với năm 2023.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong những tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 687 DN, đạt hơn 77% kế hoạch năm 2024 về số lượng DN, tăng 3,8% so cùng kỳ. 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 186 DN quay trở lại hoạt động và 197 DN tăng vốn điều lệ (tăng 11,3%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 5.111 tỷ đồng (tăng gần 22%). Như vậy, trong 8 tháng năm 2024, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao gấp 4 lần số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể. Lũy kế đến 30-9-2024, toàn tỉnh có 6.199 DN hoạt động.

Theo đánh giá của DN, để tồn tại và phát triển cần có nội lực tốt mới vượt qua khó khăn. DN phải đảm bảo quản lý tốt chuỗi chi phí; lực lượng lao động phải có tay nghề; bộ phận quản trị phải là những người có trình độ, chịu khó, ứng dụng công nghệ vào quản lý. Đó là xu hướng phát triển của toàn cầu hiện nay, buộc chúng ta phải hội nhập.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạo, với tình hình thị trường hiện nay, cùng nhiều giải pháp quản trị hiệu quả, DN sẽ về đích với mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2023, đạt chỉ tiêu đặt ra. “Về lâu dài, GODACO sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi, nhà máy sản xuất để tăng được doanh thu, sản lượng. Công ty đang tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà máy mới, với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, để tăng sản lượng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu, góp phần giải quyết đời sống công nhân được tốt hơn. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thế giới mỗi năm đều có tăng trưởng, vấn đề là phải quản lý chất lượng, đa dạng thị trường, sản phẩm, áp dụng tốt công nghệ”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm.

Ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Công ty TNHH Vina XO (huyện Gò Công Tây) chuyên sơ chế trái cây như xoài, mít, thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn từ phía đối tác, nhưng mỗi tháng, DN vẫn xuất khẩu được 2 container (tương đương 40 tấn). Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc công ty cho biết: “Năm nay, DN xuất khẩu chủ yếu xoài và mít sang thị trường Nga, Mỹ. Hiện nay, đơn hàng đã có sẵn, điều quan trọng là chất lượng sản phẩm. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao, sản phẩm phải đạt chất lượng, giảm tối đa chất bảo quản”.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (TP. Mỹ Tho) cho biết, trong 9 tháng năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty có sự tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ sản phẩm phân bón vô cơ của doanh nghiệp có chiều hướng giảm khoảng 10% so với những năm trước, riêng sản phẩm phân bón hữu cơ lại tăng trưởng khoảng 20%.

Hiện xu hướng của nhà nông đang có sự dịch chuyển sang sử dụng phân hữu cơ. Đây cũng là xu hướng chung của ngành Nông nghiệp. Do đó, công ty đang tập trung mạnh để sản xuất các loại phân bón hữu cơ theo xu hướng trong nước và thế giới. Giữa tháng 8 vừa qua, công ty đã khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại huyện Tân Phước. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 1 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2 xây dựng với diện tích khoảng 1,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Sản lượng dự kiến mỗi năm khoảng trên 10.000 tấn.

Dự kiến, cuối tháng 6-2025, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. DN cũng mong muốn lãnh đạo Trung ương, tỉnh quan tâm nhiều hơn đến các DN. Đặc biệt là cần có những chính sách đột phá, tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép con không đáng có để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh”- ông Nguyễn Văn Ửng cho biết thêm.

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. DN là lực lượng chủ yếu trong hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh và kể cả các chỉ tiêu xã hội. Dù mới đến đầu tháng 10, nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều tiệm cận với kế hoạch năm. Cụ thể, chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm, đầu tư xã hội, xuất khẩu… đạt rất tốt. Đó là sự đóng góp đáng ghi nhận của cộng động DN tỉnh nhà trong những tháng đầu năm.

Sau thời gian cộng đồng DN chật vật trong việc tìm kiếm đơn hàng, hiện các DN trên các lĩnh vực từ may mặc, giày da xuất khẩu đến chế biến thủy, hải sản, trái cây… thị trường đã được mở rộng. Các DN đã có nhiều khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng lớn, uy tín. Qua đó, khi thực hiện những đơn hàng này, các DN cũng tiếp cận được những công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, hiện đại. Cụ thể, như lĩnh vực thủy sản, các DN xuất khẩu hàng sang các nước châu Âu.

Các thị trường này đòi hỏi công nghệ, quy trình quản lý rất khó, nhưng đội ngũ DN tỉnh nhà đã cố gắng tiếp cận. Điều này cũng giúp nâng tầm phát triển của DN, doanh nhân tỉnh nhà. Khi thực hiện những đơn hàng này, ngoài việc nâng cao về mặt công nghệ, DN cũng phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà.

Thông qua hoạt động của các DN đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Các chỉ tiêu về giải quyết việc làm cũng đạt khá. Việc mở rộng đầu tư của các DN cũng góp phần hoàn thành chỉ tiêu về đầu tư xã hội của tỉnh. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, ở góc độ của mình, Hiệp hội DN tỉnh sẽ làm cầu nối giữa DN với chính quyền các cấp. Thời gian qua, chính quyền tỉnh nhà đã hết sức quan tâm, cầu thị, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển. Bên cạnh việc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chính quyền đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn.

Với trách nhiệm của Hiệp hội, chúng tôi đã có quan hệ tốt với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN giải quyết được nguồn tín dụng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hiệp hội DN cũng có trách nhiệm vận động các DN, doanh nhân chú trọng đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hợp tác quốc tế. Hiệp hội DN sẽ cùng các ngành tạo điều kiện cho các DN nắm bắt và mở rộng cơ hội kinh doanh, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, gửi gắm chung mà các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi đến các DN là xây dựng được đội ngũ doanh nhân giỏi, yêu nước và coi trọng việc xây dựng đạo đức và văn hóa doanh nhân. Do đó, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mỗi doanh nhân phải có khát vọng làm giàu, không chỉ cho bản thân, mà phải góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Bên cạnh xây dựng các yếu tố về mặt quản lý, cộng đồng doanh nhân cần nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa DN.

Điều này sẽ giúp DN tồn tại, phát triển bền vững. Thời gian qua, hầu hết cộng đồng DN tỉnh nhà đều thực hiện và hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Đội ngũ doanh nhân đã tiếp cận những xu thế về phát triển công nghệ mới rất tốt và thực hiện tốt việc quản lý DN. Hiện nhiều DN đang có bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo quản lý. Những lãnh đạo DN mấy chục năm qua đã có bước chuẩn bị cho đội ngũ thay thế.

Thế hệ thứ 2 này được đào tạo rất tốt, tiếp cận được phương pháp quản lý mới, điều kiện mới để tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, xây dựng văn hóa DN là nội dung mà Hiệp hội DN rất xem trọng. Do đó, Hiệp hội luôn vận động các doanh nhân nêu cao trách nhiệm xã hội của mình; phải vì xã hội. Mỗi doanh nhân phải có khát vọng cống hiến vì sự lớn mạnh của đất nước.

A.P - A. THƯ

.
.
.