Tình hình xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ ra sao?
(ABO) Việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đã tác động đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo dự báo của các nhà xuất khẩu, trong năm 2025, sản lượng và giá gạo xuất khẩu của nước ta sẽ giảm.
XUẤT KHẨU GẠO DUY TRÌ TỐT
Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. |
Tiền Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh hiện có hơn 56 ngàn ha đất trồng lúa. Toàn tỉnh có 4 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; khoảng 500 doanh nghiệp (DN) chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu gạo đã được các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tập trung duy trì, phát triển thị trường.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, gạo của tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu qua 20 thị trường. Năm 2023, xuất khẩu gạo của tỉnh hơn 175 ngàn tấn, kim ngạch đạt 105,15 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo ước trên 81 ngàn tấn, với trị giá đạt 52,19 triệu USD, giảm 24,15% về lượng và giảm 18,22% về trị giá so với cùng kỳ.
NHIỀU THÁCH THỨC
Theo Công ty Lương thực Tiền Giang, những năm gần đây, nhiều nước nhập khẩu gạo đã có sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc vào người mua. Cụ thể, các nước nhập khẩu thực hiện thuế hóa, áp dụng các rào cản thương mại cho mặt hàng gạo. Đồng thời, thay đổi phương thức nhập khẩu gạo, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất như: Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Một số quốc gia khác như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, diện tích đất trồng lúa có thể sẽ bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Gạo trắng hạt dài là loại gạo xuất khẩu chủ yếu, chiếm thị phần lớn trên thị trường quốc tế. Tất cả các quốc gia trong tốp 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất đều xuất khẩu gạo trắng hạt dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây có xu hướng chuyển sang sản xuất và xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản. Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu gạo thơm, nhưng chưa xây dựng thương hiệu gạo thơm nói riêng và thương hiệu gạo Việt Nam nói chung. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo, lương thực lớn nhất thế giới. Quốc gia này có dấu hiệu chững lại vì gặp nhiều thách thức như: Tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu vào chính ngạch; giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu thương mại và giám sát giao dịch thương mại biên giới. |
Phillippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của tỉnh Tiền Giang chiếm 31%, kế đến là Trung Quốc chiếm 29%, Singapore chiếm 19,11%, châu Phi chiếm 11%, Hồng Kông chiếm 6,25%,... trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh. Ngoài ra, gạo của Tiền Giang còn xuất qua một số thị trường khác như: Hàn Quốc, Kuwait, New Zealand…
Trên bình diện cả nước, trong những tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo lập kỷ lục đạt 4,68 tỷ USD với 8,13 triệu tấn gạo, tăng 14,4% về lượng và 35,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Trong 9 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, trị giá 4,35 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 23% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trung bình khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, kế đến là Indonesia và Trung Quốc.
Trong 9 tháng năm 2024, Philippines nhập từ Việt Nam 3,2 triệu tấn gạo, trị giá gần 2 tỷ USD, tăng 31,9% về lượng và 53,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia là trên 1 triệu tấn, trị giá gần 624 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và 35,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc nhập từ Việt Nam 264 ngàn tấn gạo, trị giá trên 154 triệu USD.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, trong bức tranh thương mại, sản phẩm gạo Việt Nam không chỉ chiếm lĩnh thị trường thế giới về sản lượng mà còn dẫn đầu thế giới về giá bán.
Đây là sự chuyển đổi rõ rệt từ “lượng” sang “chất”, là dấu ấn của ngành sản xuất lúa gạo trong tiến trình phát triển theo hướng chất lượng cao, theo chuỗi giá trị khép kín, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu.
CẠNH TRANH TỪ THỊ TRƯỜNG ẤN ĐỘ
Với việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, nhiều DN Việt Nam lo ngại giá gạo trong năm 2025 sẽ giảm và ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ.
Giá lúa, gạo dự báo sẽ giảm trong năm 2025. |
Theo Công ty Lương thực Tiền Giang, hiện thị trường xuất khẩu gạo của DN chủ yếu là các nước châu Á (chiếm 71,6%) như: Indonesia, Philippines, Singapore và Trung Quốc. Thị trường các nước phát triển như: Châu Mỹ, châu Âu và châu Úc chiếm tỷ trọng 28,4%.
Ông Ngô Thanh Vân, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, kể từ cuối tháng 9-2024 khi Ấn Độ cho xuất khẩu và giảm thuế, hiện giá gạo và sản lượng xuất khẩu của nước ta có xu hướng giảm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2024, Ấn Độ khả năng xuất khẩu 17,5 triệu tấn gạo, Thái Lan xuất 8,9 triệu tấn và Việt Nam xuất 8,6 triệu tấn. Sang năm 2025, Ấn Độ sẽ xuất khẩu gạo lên đến 21 triệu tấn, Thái Lan xuất khẩu 7,3 triệu tấn, Việt Nam giảm 7,2 triệu tấn. Sản xuất, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam giảm do cạnh tranh từ Ấn Độ, yếu tố cơ bản là cạnh tranh về giá.
Dự báo, sản lượng và giá xuất khẩu của nước ta sẽ có xu hướng giảm trong năm 2025. Do đó, cần cạnh tranh về chất lượng và giá thành chứ không nên chạy theo sản lượng.
Còn theo ông Nguyễn Minh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Ấn Độ có lượng gạo tồn kho cao cần giải phóng nhanh nên việc giảm giá là điều dễ hiểu. Đó là mức giá phù hợp với chất lượng gạo của Ấn Độ.
Sau khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, các nguồn cung gạo trên thế giới đều bị ảnh hưởng, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, xét về phân khúc khách hàng và chất lượng, gạo nước ta bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác.
Giá gạo trắng Việt Nam giảm không đáng kể, dao động từ 10 - 15 USD/ tấn, do cơ cấu giống của nước ta những năm gần đây đã có sự thay đổi. Người nông dân đã thay đổi chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao. Giá gạo thơm chỉ giảm từ 5 - 10 USD/ tấn. Tuy nhiên, sau đó lại tăng do nhu cầu gạo thơm của các nước vẫn ở mức cao, trong khi sản lượng thu hoạch vụ thu đông ở mức thấp.
Theo đánh giá, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ ổn định. Tuy nhiên, từ vụ đông xuân 2024 - 2025, thị trường dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức hơn khi Ấn Độ bổ sung nguồn cung gạo lớn vào thị trường. Khi đó, buộc các nhà xuất khẩu phải thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn năm 2024.
ANH PHƯƠNG - ANH THƯ