Thứ Sáu, 04/10/2024, 15:24 (GMT+7)
.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đạt trên 46 tỉ đô

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng qua đạt 46,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 32,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5%.

Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng qua tăng hơn 71%. Ảnh: Trung Chánh
Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng qua tăng hơn 71%. Ảnh: Trung Chánh

Nhờ vậy, giá trị xuất siêu ngành hàng này cũng tăng mạnh, đạt 13,86 tỉ đô la Mỹ, tương đương mức tăng 71,2%, TTXVN đưa tin.

Theo đó, các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng 9, với tổng kim ngạch đạt 5,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 31%. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt mức cao kỷ lục 46,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong đó, nông sản dẫn đầu kim ngạch xuất nhập khẩu với 24,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 27,7%, tiếp theo là lâm sản với 12,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,3%, thủy sản với 7,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,5% và chăn nuôi 376 triệu đô la Mỹ, tăng 3,8%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành đều đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ấn tượng 21,3%, đạt 11,6 tỉ đô la Mỹ. Cà phê cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao với 39,6%, đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, dù lượng xuất khẩu giảm. Các mặt hàng khác như gạo, hạt điều, rau quả, tôm, cá tra và hạt tiêu cũng đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Trong 9 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 21,6%, tiếp theo là Trung Quốc với 20,8% và Nhật Bản với 6,6%.

Về nhập khẩu, mặc dù có sự giảm nhẹ ở một số nhóm hàng, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 7,5%, đạt 32,4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nông sản vẫn là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với gần 20 tỉ đô la Mỹ.

Bộ NN&PTNT đánh giá, việc phê duyệt và triển khai kịp thời các đề án thúc đẩy xuất khẩu, kết hợp với việc mở rộng thị trường đã góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và duy trì mức xuất siêu cao.

Ngoài ra, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mỹ, EU. Đến nay, đã có 1.557 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường này, giúp đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung vào việc khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, nhằm tăng cường vị thế của nông sản Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.