Để nghề nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn phát triển bền vững
Cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là một trong những nơi tập trung số lượng lớn bè cá của tiền giang, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hộ gia đình cũng như địa phương.
Cù lao Thới Sơn được bao bọc bởi sông Tiền nên có điều kiện thuận lợi để nuôi cá bè trên sông. Chính vì vậy, hàng chục năm qua, nghề nuôi cá bè nước ngọt trên sông đã hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, người nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn đã trải qua nhiều thăng trầm để giữ vững được nghề nuôi cá bè trên sông như ngày nay.
CÒN KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN
Anh Nguyễn Tấn Bỉnh (ấp Thới Hòa) cho biết, với gần 20 năm trong nghề nuôi cá bè, anh đã trải qua không ít thăng trầm trong nghề: Có thời điểm gia đình đầu tư tới 33 lồng bè nuôi cá (năm 2012); nhưng cũng có thời điểm giá cả bấp bênh, nuôi cá không có lãi, gia đình anh buộc phải giảm số lượng bè cá xuống còn 6 lồng bè (năm 2016). Từ năm 2022 đến nay, giá cá thương phẩm dần ổn định, gia đình anh đã tăng lên 12 lồng bè để nuôi cá điêu hồng.
Anh Bỉnh chia sẻ: “Người nuôi cá bè hiện nay gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp, do giá cả cũng như đầu ra sản phẩm từ cá phần lớn lệ thuộc vào thương lái; giá thức ăn trong thời gian qua tăng lên từ 20% đến 30% so với năm 2023; thời tiết nắng nóng, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp…”.
Các bè cá trên sông Tiền đoạn qua cù lao Thới Sơn. |
Hiện nay, mỗi tháng, gia đình anh Bỉnh xuất bán từ 20 đến 30 tấn cá điêu hồng. Với giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng/kg, anh lãi từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Hơn 5 tháng qua, giá cá thương phẩm ổn định, người dân nuôi cá bè rất phấn khởi, bù lại những tháng đầu năm 2024 giá cá thương phẩm chỉ từ 31.000 đồng đến 32.000 đồng/kg. Theo anh Bỉnh, với chi phí như hiện tại, để người nuôi cá có lãi, giá cá điêu hồng thương phẩm phải trên 40.000 đồng/kg.
TỪNG BƯỚC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Anh Phan Ngọc Đăng Khoa (ấp Thới Hòa) cho biết, gia đình anh có 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá bè. Hiện tại, gia đình anh đầu tư 6 bè cá; để giảm rủi ro, anh Khoa đã chọn giải pháp nuôi nhiều loại cá (cá điêu hồng, cá da trơn, cá trắm cỏ…).
Với cách thức này, những năm qua, anh Khoa đã hạn chế được vấn đề giá cả không ổn định. Hiện tại, từ 1 đến 2 tháng, anh Khoa thu hoạch khoảng 10 tấn cá thương phẩm, bán với giá: Cá điêu hồng khoảng 50.000 đồng/kg (lãi từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg), cá da trơn khoảng 42.000 đồng/kg (lãi khoảng 5.000 đồng/kg), cá trắm cỏ khoảng 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (lãi khoảng 5.000 đồng/kg).
Với giá cả ổn định trong hơn 5 tháng qua, người nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn rất phấn khởi về một vụ mùa được giá, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định cuộc sống gia đình. Người nuôi cá bè ở Thới Sơn mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành kết nối người nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn để người nuôi được mua thức ăn cho cá với giá ổn định. Bên cạnh đó, người nuôi cá bè cũng mong muốn các ngành, các cấp tìm đầu ra ổn định cho cá thương phẩm để tránh tình trạng thương lái ép giá.
Anh Phan Ngọc Đăng Khoa đang cho cá ăn. |
Theo Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Phương Thủy, nghề nuôi cá bè trên sông đã có từ hàng chục năm trước, phát triển mạnh từ hơn 10 năm nay. Hiện tại, toàn xã có 75 hộ nuôi cá với tổng số 583 lồng bè nuôi các loại cá (điêu hồng, da trơn, trắm cỏ, cá hô, cá chép, cá chim nước ngọt…), năng suất đạt từ 3.000 đến 5.000 tấn/năm, giá cả trong hơn 5 tháng qua ổn định ở mức khá cao.
Thời gian qua, để giúp người dân ứng phó với hạn, mặn ngày càng phức tạp, xã thường xuyên cập nhật, thông báo tình trạng nước nhiễm mặn trên sông Tiền qua loa phát thanh của xã và cho cán bộ xuống từng hộ nuôi cá thông báo. Chính vì vậy, người nuôi cá đã chủ động được thời gian xuống cá giống, cũng như có những biện pháp phù hợp để ứng phó, đảm bảo cho đàn cá ít bị hao hụt.
Thời gian tới, UBND xã tăng cường kết hợp với các ngành chức năng để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nuôi cá theo hướng VietGAP, từng bước nâng chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết với các đầu mối thu mua cá thương phẩm như Cảng cá Mỹ Tho, các thương lái ở tỉnh Bến Tre, chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh)…; liên kết các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm từ cá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá bè, tạo điều kiện để nghề nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, xã sẽ kết nối để các hộ nuôi cá bè liên kết với các công ty du lịch, lữ hành mở tour tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ cá ngay tại các bè nuôi cá trên sông Tiền.
HỮU THÔNG