.

Doanh nghiệp phải chở cả xe tải tiền theo mỗi lần mua dừa

Cập nhật: 16:55, 07/11/2024 (GMT+7)

Hiệp hội Dừa Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ phối hợp ngân hàng mở 10.000 tài khoản cho nông dân trồng dừa ở 12 tỉnh miền Tây, tránh tình trạng có doanh nghiệp mỗi lần thanh toán tiền dừa phải chở cả 1 xe tải tiền mặt.

Diễn đàn Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ số Việt Nam năm 2024 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chủ trì tổ chức chiều 6-11 tại Hà Nội.

Bàn về rào cản và giải pháp xuất khẩu hàng Việt qua thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, phản ánh: Thời gian qua, nhiều nông dân trồng dừa dùng điện thoại 2G nên không có cách gì lên sàn thương mại điện tử, kiểm soát mã QR, thanh toán không tiền mặt với khoản tiền bán dừa... Có doanh nghiệp mỗi lần thanh toán tiền dừa phải chở cả 1 xe tải tiền mặt.

a
Hiệp hội Dừa Việt Nam dự kiến trong quý IV-2024 sẽ phối hợp ngân hàng uy tín mở 2.500 tài khoản cho người nông dân trồng dừa. Ảnh: Bạch Hân

“Chúng tôi đang chọn ngân hàng có uy tín để phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam trong quý IV-2024 mở 2.500 tài khoản cho người nông dân trồng dừa, với điều kiện ngân hàng phải hướng dẫn cho người dân cách sử dụng smartphone, app (ứng dụng), cách quảng cáo và bán dừa online... Mục tiêu tới năm 2025 sẽ mở 10.000 tài khoản cho nông dân trồng dừa ở 12 tỉnh miền Tây”, ông Khoa nói.

Nghe thông tin Viettel đang bán điện thoại giá bình dân chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, lãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam đề nghị ngân hàng “xắn tay áo cùng đồng hành” bằng cách bảo lãnh cho nông dân mua trả góp, hợp tác xã sẽ trích tiền bán dừa để trả dần.

Trong bối cảnh chi phí xúc tiến thương mại theo kênh truyền thống - tham gia hội chợ quốc tế - khá đắt đỏ, một doanh nghiệp lớn mới đây đã phải chi khoảng 150 triệu đồng tham gia hội chợ tại Thượng Hải, Trung Quốc, ông Khoa đánh giá cao kênh xuất khẩu trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử.

Ông cho hay, sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam mong muốn kết nối với sàn Alibaba để giúp các doanh nghiệp dừa tiếp cận thị trường châu Á, Trung Quốc; còn với thị trường châu Âu thì muốn thông qua Amazon.

“Một doanh nghiệp dừa Việt đã mở đại lý (thuê luôn cả tòa nhà làm trụ sở) tại Thượng Hải, livestream bán hàng suốt một đêm. Ở Trung Quốc, hành lang pháp lý cho người bán hàng online rất rõ ràng. Quảng cáo, bán hàng gian dối sẽ bị cảnh sát bắt giam. Trong khi ở Việt Nam, lòng tin của khách hàng với các nhà bán hàng livestream chưa cao. Cá nhân tôi cũng bị lừa mấy lần", ông Khoa nói.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý chung tay chấn chỉnh tình trạng này.

Theo thống kê của Hiệp hội Dừa Việt Nam, cả nước có trên 600 doanh nghiệp sản xuất dừa và liên quan đến dừa.

4 nhóm ngành xuất khẩu dừa chính gồm: Thực phẩm, mỹ phẩm... được sản xuất, chế biến từ dừa (chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của cả nước); gỗ, thủ công mỹ nghệ, khảm... sử dụng nguyên liệu dừa (khoảng 20%); sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dầu dừa, xơ dừa... (khoảng 10%); dừa tươi (15%).

Theo vietnamnet.vn


 

.
.
.