Gò Công Đông với hành trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
(ABO) Bằng sự nỗ lực, đoàn kết xây dựng, phát triển, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan và đang sẵn sàng ra mắt huyện nông thôn mới nâng cao.
Đây là kết quả của một hành trình dài với sự chung tay, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông. Nhiều công trình đã và đang đưa vào sử dụng, làm thay đổi rõ nét đời sống vật chất và tinh thần, thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng. Đến nay, hạ tầng cơ sở, thu nhập người dân và bộ mặt nông thôn khởi sắc, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực xây dựng NTM nâng cao.
HIỆU QUẢ TỪ HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ
Từ khi được công nhận là huyện NTM vào năm 2020, huyện Gò Công Đông đã đặt mục tiêu xây dựng NTM nâng cao với sự chỉ đạo từ UBND huyện cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Huyện nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình NTM nâng cao, tổ chức trên 2.500 cuộc họp triển khai, tuyên truyền với hơn 87.800 lượt người tham dự. Đồng thời, huyện đưa ra lộ trình cụ thể qua từng giai đoạn. Tính đến nay, huyện Gò Công Đông có 7/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, với tổng số vốn huy động lên đến 722,7 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh và huyện cùng nguồn lực của cộng đồng.
Huyện Gò Công Đông đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, mang lại kết quả tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đời sống người dân. Ảnh: Quốc Toàn |
Đặc biệt, huyện chú trọng vào các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi và cơ sở y tế, với tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản đạt 514,5 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2024. Kết quả, 100% tuyến đường chính ở các xã trên địa bàn huyện đều được bê tông hóa, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã cải thiện đáng kể, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 98,6%.
Huyện Gò Công Đông đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, mang lại kết quả tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đời sống người dân. Tính đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng lên 76,3 triệu đồng/năm, so với mức 55,8 triệu đồng/năm vào năm 2020. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch rõ rệt khi tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm, mở ra tiềm năng mới trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh đó, huyện còn đạt được các thành tựu nổi bật trong giáo dục và y tế. 100% trường học trên địa bàn đều được kiên cố hóa, nâng cấp đầy đủ các trang thiết bị. Các trạm y tế được đầu tư hiện đại, đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%.
Một trong những điểm nhấn trong xây dựng huyện NTM nâng cao của Gò Công Đông là vai trò của các tổ chức đoàn thể và sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Từ năm 2021, UBND huyện đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã triển khai các mô hình cải thiện cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường như: “Tuyến đường hoa”, “Tự quản cộng đồng”, “Đổi rác thải nhựa lấy quà”.... góp phần xây dựng môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Đặc biệt, nhiều người dân của huyện đã đóng góp tổng cộng 28.791 m2 đất và gần 2,4 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Hội Nông dân huyện còn hỗ trợ thành lập 117 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,46%, hộ cận nghèo 1,79%.
Đặc biệt, Đoàn Thanh niên huyện đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường và thực hiện Chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, thu hút hơn 50.000 lượt thanh niên tham gia, khơi dậy tinh thần tình nguyện và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động xây dựng cầu dân sinh, nạo vét kinh mương và trồng cây xanh cũng được tổ chức đều đặn, xây dựng trên 85 km đường giao thông nông thôn và tạo cảnh quan xanh - sạch.
HƯỚNG ĐI TRONG TƯƠNG LAI
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song huyện Gò Công Đông vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Với đặc điểm địa hình thấp, hệ thống kinh rạch phức tạp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cần vốn đầu tư lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế, đặt ra thách thức không nhỏ cho huyện trong việc duy trì và phát triển các tiêu chí NTM nâng cao.
Huyện Gò Công Đông xác định tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh các ngành nghề kinh tế có giá trị gia tăng cao. Ảnh: Minh Thành |
Trước các thách thức đặt ra, huyện Gò Công Đông xác định tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh các ngành nghề kinh tế có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái tại Khu du lịch biển Tân Thành, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thủy sản và sản phẩm từ nông nghiệp. Ngoài ra, việc cải thiện năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho người dân, đặc biệt là các mô hình sản xuất thích nghi với môi trường xâm nhập mặn cũng đang được địa phương quan tâm.
Huyện Gò Công Đông sẽ tập trung phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái tại Khu du lịch biển Tân Thành. Ảnh: Minh Thành |
Chương trình xây dựng NTM nâng cao tại huyện Gò Công Đông không chỉ là bước đi trong phát triển nông thôn mà còn là câu chuyện về sức mạnh đoàn kết của người dân và chính quyền. Với hạ tầng đồng bộ, môi trường sống cải thiện và kinh tế ổn định, Gò Công Đông đã dần trở thành hình mẫu về xây dựng NTM nâng cao. Những thành tựu này là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu, duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Tiền Giang.
L.OANH