.

Huyện Gò Công Tây: Sức lan tỏa từ một nghị quyết

Cập nhật: 09:39, 22/11/2024 (GMT+7)

Nghị quyết 30 ngày 6-4-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang về lãnh đạo xây dựng huyện Gò Công Tây đạt chuẩn NTM vào năm 2021 và giữ vững huyện NTM đến năm 2025 được xem là một dấu mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ nghị quyết này, cùng với quyết tâm cao, sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Gò Công Tây đã đạt được những thành tựu đáng kể, đưa huyện nhà trở thành một trong những điển hình của tỉnh Tiền Giang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).

LÃNH ĐẠO SÂU SÁT

NTM là chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định. Trong những năm qua, lãnh đạo huyện Gò Công Tây đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó việc ban hành và sâu sát trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30 là dấu ấn nổi bật cho sự thành công của huyện.

Thị trấn Vĩnh Bình chụp từ trên cao.
Thị trấn Vĩnh Bình chụp từ trên cao.

Để cụ thể hóa Nghị quyết 30, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các xã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch triển khai 6 Chương trình chuyên đề gồm: “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025”; “Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh”; “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn”; “Phát triển du lịch nông thôn”; “Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM”; “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM”.

Các văn bản phân công trách nhiệm thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Định kỳ, Ban Chỉ đạo huyện có kế hoạch đi làm việc chuyên đề về công tác xây dựng NTM ở 100% xã trên địa bàn huyện, để định hướng những nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện các chương trình trọng điểm, Nghị quyết chuyên đề nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Đinh Tấn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho rằng, với những cách làm đổi mới, sáng tạo đã tạo nên những kết quả, chuyển biến tích cực về cảnh quan môi trường, tháo gỡ các “điểm nghẽn” khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dài lâu cho địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề phát triển đồng bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Với quyết tâm cao độ, trong giai đoạn nước rút hoàn thành các chương trình, nghị quyết để kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, chuẩn bị mọi mặt để tạo đà chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, đồng chí Đinh Tấn Hoàng đề nghị các cơ quan, đơn vị phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn, lãnh đạo các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết có liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

Đồng thời,  tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, nghị quyết chuyên đề nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công Tây lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.                                            

  KIM LAN

Đồng thời, chỉ đạo công tác thành lập, kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình từ huyện đến xã. Theo đó, cấp huyện thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên để chỉ đạo các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể.

Thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng, các thành viên kiêm nhiệm là đại diện các phòng, ban chuyên môn huyện.

Cấp xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; Tiểu ban Tuyên truyền do Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã làm Trưởng Tiểu ban; Ban Quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, phân công cụ thể từng thành viên phụ trách, theo dõi và thực hiện từng tiêu chí.

NGHỊ QUYẾT ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 30, đến nay, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra: 12/12 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã kiểu mẫu (Long Vĩnh, Thành Công), huyện Gò Công Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM.

Điểm nổi bật của diện mạo huyện NTM là hệ thống giao thông được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp một số tuyến đường huyện đạt chuẩn cấp kỹ thuật theo quy hoạch. Hệ thống đường nội thị đã thực hiện đầu tư 6 công trình giao thông trục Đông - Tây quan trọng của thị trấn, kết nối đường Nguyễn Hữu Trí với đường tránh thị trấn Vĩnh Bình. Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện có hệ thống giao thông đạt chuẩn, đảm bảo kết nối với các địa phương, liên vùng phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.

 Huyện Gò Công Tây tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã phát triển,  góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện Gò Công Tây tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cùng với đó là tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp với 69 công trình, tổng kinh phí thực hiện trên 26 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa cống và 5 trạm bơm điện; xây dựng Đề án Phát triển hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước bằng các công trình và phi công trình hiệu quả tại các vùng khó khăn về nước tưới tiêu (trũng, gò), cải thiện điều kiện sản xuất cho người dân.

Cơ sở hạ tầng nông thôn như: Điện, trường, trạm và quy hoạch đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đến tháng 11-2024, ước đạt 73,6 triệu đồng/người/năm. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường, dân chủ ở cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với những thành tựu đạt được, huyện Gò Công Tây đã khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng NTM. Tuy nhiên, để giữ vững và phát triển danh hiệu này, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân.

Theo Ban Thường vụ Huyện ủy, với quan điểm, xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, huy động sự vào cuộc tích cực của nhân dân, duy trì, nâng chất các tiêu chí huyện NTM, xã NTM/NTM nâng cao/NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ huyện đề ra giai đoạn 2020 - 2025.

Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của việc xây dựng NTM, để người dân tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động xây dựng địa phương, giữ vững danh hiệu huyện đạt chuẩn NTM hướng đến huyện NTM nâng cao.

HOÀI THU

 

.
.
.