.

Huyện Tân Phước: Hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Cập nhật: 17:21, 14/11/2024 (GMT+7)

Xác định vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã (HTX).

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Những năm qua, phong trào KTTT trên địa bàn huyện Tân Phước ngày càng phát triển, đạt được những kết quả khả quan. KTTT tiếp tục được quan tâm bằng nhiều biện pháp, giải pháp, tạo điều kiện để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hoạt động KTTT của huyện Tân Phước đã có sự chuyển biến tích cực.
Hoạt động KTTT của huyện Tân Phước đã có sự chuyển biến tích cực.

Hiện nay, toàn huyện có 17 HTX, với hơn 2.400 thành viên; trong đó, có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 HTX trên lĩnh vực vận tải. Theo UBND huyện Tân Phước, thời gian qua, các HTX đã xây dựng và thực hiện theo phương án sản xuất, kinh doanh, có trích lập quỹ đầu tư phát triển và thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định.

Theo đó, các HTX nông nghiệp đã hỗ trợ phát triển kinh tế cho thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động. Cụ thể, các HTX đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thành viên; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Hiện trên địa bàn huyện có 6 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm chủ lực.

Hoạt động của các HTX còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, góp phần xóa khó giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, các HTX đã tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, các HTX hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi nhuận nên hằng năm đã tham gia đóng góp kinh phí cùng địa phương xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo UBND huyện Tân Phước, bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực KTTT, HTX của huyện vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX tuy nhiều, nhưng chưa đủ mạnh, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX như: Hỗ trợ đất đai, vốn đầu tư.

Nhiều HTX có quy mô hoạt động nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu vốn nhưng lại khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Cán bộ quản lý điều hành HTX có tâm huyết nhưng còn thiếu năng động, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cán bộ HTX nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp hiệu quả hoạt động chưa cao nên thu nhập của cán bộ HTX, thành viên thấp, không ổn định.

Do đó, các HTX chưa thu hút cán bộ trẻ về làm việc lâu dài cho HTX. Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều; trình độ lao động còn thấp; khả năng quản lý của hội đồng quản trị HTX còn hạn chế. Nhiều nơi, thành viên tham gia mang tính hình thức, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm vào hoạt động cũng như công tác kiểm tra, giám sát HTX.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có HTX Vận tải Tân Phước đang hoạt động hiệu quả. HTX có 979 thành viên, với trên 2.300 lao động; doanh thu trung bình khoảng 30,5 tỷ đồng/ năm, lợi nhuận trung bình 2,3 tỷ đồng/năm. Hoạt động chủ yếu của HTX là kinh doanh dịch vụ vận tải đường thủy, đường bộ và nghề đóng mới, sửa chữa sà lan.

HTX đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trên địa bàn huyện. Thu nhập trung bình của lao động làm việc thường xuyên tại HTX trên 8 triệu đồng/tháng. Mô hình này hoạt động có hiệu quả góp phần tạo việc làm cho lao động của huyện.

Trên thực tế, để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của các HTX thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Theo đó, huyện Tân Phước đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phát triển. Cụ thể, huyện đã cử các cán bộ quản lý HTX tham gia các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng hoạt động HTX do các sở, ngành tỉnh tổ chức.

Đồng thời, thực hiện chủ trương hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp. Huyện còn thực hiện hỗ trợ đất cho 3 HTX nông nghiệp thuê đất để làm nhà kho, nhà xưởng.

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng cho 1 HTX nông nghiệp với tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hơn 480 triệu đồng. Điều này đã tạo điều kiện cho các HTX có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, địa phương còn tích cực hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ; thành lập mới HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn…

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ

Trên thực tế, dù có nhiều chuyển biến tích cực, song để lĩnh vực KTTT ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Phước đòi hỏi phải có sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn.

Huyện Tân Phước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển.
Huyện Tân Phước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phước, trong thời gian tới, huyện tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch 280 ngày 11-5-2023 của UBND huyện về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động 102 ngày 24-3-2023 của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện Nghị quyết 09 ngày 2-2-2023 của Chính phủ và Chương trình 30 ngày 28-10-2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Trong đó, huyện sẽ chú trọng các nội dung về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, nhất là HTX kiểu mới. Địa phương sẽ tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả.

Song song đó, huyện sẽ phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc phát triển KTTT, HTX. Đặc biệt, để trợ lực cho các HTX, huyện sẽ tiếp tục triển khai, bố trí nguồn lực, kinh phí, các chính sách đầu tư hạ tầng giúp HTX mở rộng nhà sơ chế đóng gói, tiếp cận các chính sách hỗ trợ để mở rộng liên kết sản xuất…

T. ĐẠT

.
.
.