Thứ Sáu, 29/11/2024, 15:11 (GMT+7)
.

Khơi dậy tiềm năng địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) còn hướng đến việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, giúp cho kinh tế khu vực này phát triển bền vững; trong đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn của TX. Cai Lậy.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020, thị xã chỉ có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Nhưng đến nay, thị xã đã phát triển được 11 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Nhắc đến TX. Cai Lậy, nhiều du khách gần xa đều biết đến sản phẩm lạp xưởng với các thương hiệu như: Lạp xưởng gia truyền Tư Trung, Lạp xưởng tươi Cô Tuyết…

Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ hộ kinh doanh lạp xưởng gia truyền Tư Trung tham gia trưng bày sản phẩm lạp xưởng trong Tuần lễ sản phẩm OCOP năm 2024 tại  Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ hộ kinh doanh lạp xưởng gia truyền Tư Trung tham gia trưng bày sản phẩm lạp xưởng trong Tuần lễ sản phẩm OCOP năm 2024 tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Kim Ngân, Chủ hộ kinh doanh lạp xưởng gia truyền Tư Trung (ấp Phú Hưng, xã Phú Quý) cho biết: “Gia đình có truyền thống làm lạp xưởng đến nay đã qua 4 thế hệ. Sau khi được địa phương tuyên truyền phát triển sản phẩm OCOP và hướng dẫn các thủ tục, gia đình đã đăng ký sản phẩm lạp xưởng gia truyền và đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào cuối năm 2022.

Bà Ngân cho biết thêm, mặc dù sản phẩm lạp xưởng gia truyền được công nhận sản phẩm OCOP và đã mở ra hướng đi mới trong việc kinh doanh. Tuy nhiên, đã có không ít khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi hộ kinh doanh như bà Ngân không ngừng nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.

Do vậy, trong thời gian qua, bà Ngân thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm được tổ chức tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Bạc Liêu…

Bên cạnh đó, bà Ngân còn tham dự các lớp tập huấn bán hàng và đã đăng ký sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam từ năm 2023. Hiện cơ sở đã thực hiện tích hợp mã QR ngay trên bao bì sản phẩm để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Điều làm cho bà Ngân cũng như các hộ kinh doanh lạp xưởng có đăng ký thương hiệu sản phẩm trăn trở, đó là: Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất lạp xưởng kinh doanh online không đăng ký thương hiệu sản phẩm, sử dụng các nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên giá thành sản phẩm thấp hơn.

Từ đó, nhiều người tiêu dùng đã so sánh về giá cả, rồi mua sản phẩm có giá thấp hơn mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm nên hầu như khách hàng của bà Ngân đều là khách quen, hoặc những khách quen đã tin dùng sản phẩm rồi tiếp tục giới thiệu cho người thân, gia đình, bạn bè mua sản phẩm lạp xưởng.

Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã, chính quyền các địa phương ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm còn hỗ trợ các chủ thể, hộ kinh doanh thực hiện các quy trình để được công nhận sản phẩm OCOP.

Điển hình như UBND xã Mỹ Hạnh Trung đã hướng dẫn cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trúc Ly (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hạnh Trung) lập hồ sơ đăng ký và thực hiện các thủ tục trình cơ quan chức năng đánh giá, công nhận sản phẩm lạp xưởng trở thành sản phẩm OCOP vào tháng 11-2024. Như vậy, đến nay, thị xã đã có 3 sản phẩm OCOP lạp xưởng.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy Lê Chí Thanh, trong thời gian tới, thị xã sẽ triển khai Chương trình OCOP phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương.

Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương; đặc biệt là sản phẩm nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương.

Song song đó, thị xã sẽ hướng dẫn hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc.

Như vậy, với các sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao không chỉ mở ra cơ hội để khơi dậy tiềm năng, lợi thế và từng bước nâng tầm sản phẩm nông sản địa phương, mà còn góp phần đưa kinh tế khu vực nông thôn ở TX. Cai Lậy phát triển theo hướng gia tăng giá trị nông sản; qua đó, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của TX. Cai Lậy phát triển nhanh và bền vững.

ĐỨC TÂM - H.N

.
.
Công ty yến sào Khánh Hòa
.